Các sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng

Thứ Năm, 15/12/2022, 06:00

Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2020, du lịch biển đảo đã được xác định là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch biển đảo thời gian qua được cho là có đóng góp lớn cho du lịch Việt Nam nói chung nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, thời gian vừa qua, các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa.

du lich bien dao (1).jpg -0
Du lịch biển ngày càng được nhiều du khách lựa chọn.

Chỉ tính riêng năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước. Du lịch biển phát triển đã có phần đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, nhiều ngành kinh tế khác, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển.

Tại Đà Nẵng, địa phương được mặc định có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch biển đảo và phát huy khá tốt các lợi thế này. Du lịch biển đảo đã trở thành là một trong những sản phẩm được yêu thích nhất và được xác định là sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình, thời gian qua, du lịch biển đảo tại Đà Nẵng đã tạo dựng được thương hiệu với du khách trong nước và quốc tế với một số loại hình thể thao, vui chơi giải trí dưới nước. Hệ thống bãi tắm công cộng ven biển sạch đẹp.

Du lịch đường thủy nội địa được quy hoạch phát triển với 10 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa, trong đó 8 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa và 2 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, đưa vào khai thác sản phẩm du lịch đường thủy nội địa khám phá vịnh, bán đảo Sơn Trà. Đội tàu được đóng mới, chất lượng dịch vụ tốt đã góp phần thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng các hoạt động thể thao, giải trí biển chỉ mới thu hút được đối tượng khách phổ thông, chưa có phân khu riêng cho khách cao cấp.

Các loại hình thể thao, vui chơi giải trí còn ít. Hệ thống cảng, bến thủy nội địa quy mô nhỏ, tạm thời, hạ tầng chưa đảm bảo. Việc đầu tư điểm đến, sản phẩm dịch vụ gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Một số vị trí chưa phân định được ranh giới hành chính nên chưa được đầu tư hình thành sản phẩm du lịch. Chưa có cơ chế chính sách riêng thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhất là cơ chế thu hút đầu tư các loại hình du lịch cao cấp như du thuyền, trung tâm mua sắm, tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế...

Với Quảng Bình - một trong những tỉnh thuộc tốp các địa phương giáp biển có doanh thu dẫn đầu về du lịch trong cả nước, ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cũng thẳng thắn thừa nhận: Các sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng, chủ yếu là du lịch tắm biển, du lịch nghỉ dưỡng biển. Một số loại hình du lịch biển hiện đã phổ biến trên thế giới và các tỉnh, thành phố biển Việt Nam nhưng chưa được triển khai tại tỉnh. Trong tổng số 36 sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có 2 điểm du lịch địa phương là bãi tắm biển Bảo Ninh, Nhật Lệ và chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm chưa nhiều. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng hiện nay. Quảng Bình có khoảng 507 cơ sở lưu trú du lịch với 8.247 phòng, 16.000 giường. Trong khi đó, mục tiêu của năm 2022 là đón 2 triệu lượt khách và dự báo đến năm 2025 đón khoảng 3,9 triệu lượt khách.

Theo ông Hà, sự thiếu hụt các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên trên địa bàn, nhất là khu vực ven biển đã hạn chế việc phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh. Ngoài ra, hạ tầng cầu cảng còn thiếu nên việc đón tàu du lịch quốc tế, khai thác hoạt động du lịch ngắm cảnh trên du thuyền... chưa được triển khai. Công tác tổ chức và dịch vụ đi kèm cũng chưa thực sự hiệu quả. Việc quy hoạch khu vực các bãi biển đã được quan tâm nhưng chưa được triển khai đồng bộ. Các dịch vụ phụ trợ như trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực… còn thiếu. Số lượng nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch còn ít. Vấn đề tăng giá phòng, giá dịch vụ vào mùa cao điểm vẫn còn, ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến du lịch Quảng Bình…

Trao đổi về du lịch biển Việt Nam, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng nhận định, du lịch biển Việt Nam thời gian qua phát triển rất nhanh nhưng vẫn có những bất cập. Các nhà đầu tư chú trọng lợi nhuận ngắn hạn. Sự hạn chế về môi trường và nguồn lực đầu tư cho môi trường. Thiếu sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch… Để phát triển du lịch biển, ông Tuấn cho rằng cần quan tâm tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, cả ở cấp độ quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch. Chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển, không phát triển ồ ạt, dành dư địa cho những định hướng, ý tưởng mới trong tương lai. Phát triển các sản phẩm đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn tôn tạo tài nguyên, quan tâm đánh giá sức chứa và quản lý sức chứa du lịch. Chú trọng sự tham gia của cộng đồng, người dân và quyền lợi của họ trong phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch biển với bảo tồn, tôn tạo văn hóa bản địa.

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh quảng bá du lịch ra thế giới

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, mới đây của nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com công bố phân tích lượng tìm kiếm phòng nghỉ với ngày đặt phòng từ ngày 23/12/2022 đến 1/1/2023 (thời gian cao điểm của mùa du lịch cuối năm trên thế giới) và so sánh với dữ liệu đặt phòng cùng kỳ năm trước, TP Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng ngoạn mục (+2.985 bậc), góp mặt trong nhóm 15 điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách toàn cầu. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đứng thứ 12 trong nhóm 15, xếp sau các thành phố lớn như London, Paris, Dubai, Amsterdam, Barcelona, Rome, New York, Tokyo… và là một trong hai thành phố của châu Á có mặt trong danh sách này, bên cạnh các thành phố thuộc Châu Âu.

Năm 2022, TP Hồ Chí Minh không chỉ nỗ lực thực hiện tốt vai trò là trung tâm du lịch lớn nhất nước, mà còn nỗ lực đổi mới sản phẩm để trở thành điểm đến du khách không thể bỏ qua với chuỗi sản phẩm mới tôn vinh các giá trị văn hóa - lịch sử - kiến trúc gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn – Gia Định và nhịp sống hiện đại của TP Hồ Chí Minh ngày nay. Điểm nhấn là chương trình “mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”; cùng với đó là chuỗi sự kiện du lịch đặc sắc như Lễ đón khách đầu năm; Lễ hội áo dài; Ngày hội du lịch; Hội chợ du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh. Nhất là chuỗi hoạt động của Tuần lễ du lịch TP Hồ Chí Minh; Giải Marathon quốc tế TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của gần 12.000 vận động viên...

Không chỉ tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật và thể thao nhằm thu hút khách du lịch, TP Hồ Chí Minh còn quảng bá đến toàn thế giới là thành phố thân thiện, mến khách. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố hợp tác với kênh truyền hình quốc tế CNN để quảng bá hình ảnh thành phố. Theo đó, ngày 12/12, video phát sóng trên kênh truyền hình quốc tế CNN có 2 chủ đề “Welcome to Ho Chi Minh City” và “Ho Chi Minh City – Vibrant City”. Các video tập trung giới thiệu Du lịch TP Hồ Chí Minh với nhiều góc nhìn đa dạng, các sự kiện và lễ hội đa sắc màu, ẩm thực đặc sắc, sản phẩm du lịch mới lạ nhằm truyền cảm hứng để du khách tận mắt ngắm nhìn, trải nghiệm sức sống của một đô thị trẻ trung, sống động, thân thiện, hứng khởi và luôn hướng về tương lai. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình thu hút khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh: “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City” năm 2022. Video này được phát sóng tại các khung giờ vàng từ 6h đến 10h, từ 10h đến 17h và khung giờ vàng từ 19h đến 24h xuyên suốt từ ngày 12/12/2022 đến 29/12/2022 tại các khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Bắc Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành du lịch thành phố kỳ vọng việc quảng bá qua kênh truyền hình quốc tế CNN tiếp tục đưa công tác quảng bá xúc tiến lan tỏa đến các thị trường trọng điểm và tiềm năng trên thế giới để ngày càng nhiều du khách nước ngoài mong muốn đến và mong muốn quay trở lại TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh còn tích cực tham gia quảng bá tại các sự kiện ở nhiều quốc gia. Như ngày 7/12, tại Bangkok, Thái Lan, Đại sứ quán Việt Nam tại đây đã phối hợp với Công ty See The World Travel (Việt Nam) và Hiệp hội xúc tiến văn hóa và tơ lụa (Thái Lan) tổ chức Đêm thời trang Việt Nam, đặc biệt “Áo dài gặp gỡ lụa Thái”. (Nguyễn Cảnh)

N.Nguyễn

.
.
.