Các huyện phía Bắc tỉnh Bình Dương sẽ là những vùng sản xuất công nghiệp mới

Thứ Hai, 04/11/2024, 15:15

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bàu Bàng và vùng huyện Phú Giáo đến năm 2040.

Huyện Bàu Bàng với diện tích 34.002,11 hecta, gồm thị trấn Lai Uyên và 6 xã (Cây Trường II, Hưng Hòa, Lai Hưng, Long Nguyên, Tân Hưng, Trừ Văn Thố); phía Bắc giáp thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; phía Nam giáp TP Bến Cát; phía Đông giáp huyện Phú Giáo; phía Tây giáp huyện Dầu Tiếng.

Các huyện phía Bắc tỉnh Bình Dương sẽ là những vùng sản xuất công nghiệp mới -1
Tuyến đường liên vùng quan trọng đi qua huyện Bàu Bàng.

Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 320.000 - 350.000 người; đến năm 2040 khoảng 480.000 - 500.000 người.

Huyện Bàu Bàng với định hướng hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới làm tiền đề phấn đấu các giai đoạn tiếp theo đạt các chỉ tiêu đô thị loại III, trở thành thị xã thuộc tỉnh.

Định hướng phát triển huyện Bàu Bàng theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp dịch vụ, trong tương lai trở thành "Trung tâm đổi mới sáng tạo - công nghiệp" phía Bắc của tỉnh Bình Dương.

t1-1730708133075.JPG
Đập Phước Hòa, một công trình tiêu biểu ở huyện Phú Giáo.

Về địa lý, Bàu Bàng là huyện cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Bình Dương, kết nối với tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên thông qua tuyến Quốc lộ 13; có sự tác động và gắn kết với không gian kinh tế của huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo và TP Bến Cát.

Đây là khu vực phát triển công nghiệp (đa ngành, chế biến nông lâm sản), phát triển khu phức hợp văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục đào tạo cấp vùng; trung tâm dịch vụ - thương mại cấp vùng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử…

Huyện Phú Giáo với diện tích 54.443,85 hecta, gồm thị trấn Phước Vĩnh và 10 xã (An Bình, An Linh, An Long, An Thái, Tân Long, Phước Hòa, Phước Sang, Vĩnh Hòa, Tân Hiệp, Tam Lập); phía Bắc giáp huyện Đồng Phú và huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; phía Nam giáp sông Bé và huyện Bắc Tân Uyên; phía Đông giáp sông Mã Đà và huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai; phía Tây giáp huyện Bàu Bàng.

Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040. Đến năm 2030 quy mô dân số khoảng 160.000 người; đến năm 2040 khoảng 240.000 người.

Định hình sự phát triển không gian toàn huyện, bao gồm sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, định hướng sử dụng đất, các đô thị, các khu chức năng hướng đến một đô thị xanh, đô thị sáng tạo hướng đến hiện đại và thông minh.

Định hướng phát triển huyện Phú Giáo đến năm 2030 theo hướng nông nghiệp - công nghiệp - đô thị, dịch vụ; đến năm 2040, phát triển theo hướng công nghiệp - đô thị, dịch vụ - nông nghiệp.

Phú Giáo là huyện cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, kết nối với tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên; vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của tỉnh, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ đóng vai trò chủ lực.

Là vùng sản xuất công nghiệp mới của tỉnh với định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với phát triển đô thị tại một số khu vực, đảm bảo phát triển kinh tế ổn định và bền vững; vùng bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ cảnh quan sinh thái cho khu vực phía Đông Bắc tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh quy hoạch hai huyện trên, HĐND tỉnh Bình Dương cũng vừa ban hành Nghị quyết về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) Khu công nghiệp Đất Cuốc tại xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên.

Theo đó, khu vực quy hoạch Khu công nghiệp Đất Cuốc có vị trí tại xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với diện tích lập quy hoạch 523,22 hecta; phía Đông giáp đất dân và cách đường ĐH.436 khoảng 100m; phía Tây giáp đất nông nghiệp và suối Tân Lợi; phía Nam giáp đất nông nghiệp và đất dân; phía Bắc giáp đất cao su. Quy mô lao động khoảng 26.000 người.

Định hướng phát triển khu công nghiệp Đất Cuốc theo hướng tập trung, đa ngành nghề với các loại hình công nghiệp thu hút các dự án đầu tư có các ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dương Bình
.
.
.