Gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho công nhân thuê trọ:

Cả người lao động và doanh nghiệp cùng mong ngóng

Thứ Năm, 24/02/2022, 07:41

Ngay sau Tết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã nhấn mạnh về gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động trị giá khoảng 6.600 tỷ đồng nhằm nhanh chóng ổn định thị trường lao động. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo chương trình hành động, triển khai.

Ngay từ khi có thông tin về gói hỗ trợ này, dư luận đã rất đồng tình về một chính sách nhân văn, nếu được triển khai sớm nhất có thể sẽ tạo điều kiện rất lớn cho không chỉ công nhân, mà còn cho cả các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Mong thủ tục không phức tạp

Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp được thực hiện lần này là hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm và người lao động quay trở lại thị trường lao động. Có 2 mức hỗ trợ, đối với người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm là 500.000 đồng/tháng; đối với người lao động về quê quay trở lại làm việc được hỗ trợ 1 triệu đồng, tối đa trong 3 tháng.

Thông tin về gói hỗ trợ cho công nhân tiền thuê nhà này, chị Đào Thị Linh (quê ở Yên Bái, công nhân Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) không giấu được sự vui mừng. Chị chia sẻ, nếu công nhân như chị được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê trọ sẽ là sự quan tâm, động viên rất lớn từ các chính sách của Nhà nước cho người lao động.

“Hai vợ chồng làm công nhân đã gần 10 năm qua, mỗi tháng phải trả tiền thuê nhà khoảng 1,5 triệu đồng cho căn phòng trọ chỉ hơn 10m2. Cũng tính toán tích cóp để có thể mua mảnh đất rẻ rẻ, dựng căn nhà nhỏ làm chỗ ở, dù có sự hỗ trợ một phần từ gia đình nhưng thu nhập của hai vợ chồng công nhân quá thấp nên chúng tôi cũng chưa thể mua được, vẫn xác định phải thuê trọ lâu dài. Ít hôm nay, anh chị em đã bàn tán về việc sắp có gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mới chỉ nghe là chính sách đó sắp được triển khai, chỉ mong điều kiện, thủ tục không quá phức tạp để công nhân dễ tiếp cận”, chị Linh cho hay.

Những thông tin liên quan đến gói hỗ trợ này được anh Hoàng Văn Mạnh (công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) tìm hiểu khá kỹ. Anh Mạnh cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ dự thảo xong các quy định triển khai trong tháng 2/2022 nên anh Mạnh cho rằng, chính sách sẽ sớm được triển khai ngay trong tháng 3.

“Công nhân chúng tôi đang mong chính sách hỗ trợ này từng ngày bởi đây là lúc công nhân, người lao động cần được hỗ trợ nhất. Dịch COVID-19 ảnh hưởng tới thu nhập của hầu hết công nhân bởi không có tiền tăng ca, thậm chí nhiều người còn bị giãn việc. Chưa vợ con gì nên mấy anh em thuê chung một phòng, tính ra chi phí mỗi tháng cũng 700-800 nghìn đồng/người. Nếu được hỗ trợ 500 nghìn đồng/người tiền thuê trọ thì chúng tôi có thể đỡ lo hơn về chi phí sinh hoạt, hoặc cũng có thêm một chút để hỗ trợ gia đình”, anh Mạnh chia sẻ.

1.jpg -0
Công nhân, người lao động đang mong gói hỗ trợ tiền thuê trọ sớm được triển khai.

Sẽ thu hút lao động nếu được hỗ trợ thuê trọ

Đề cập đến việc Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo chính sách triển khai gói hỗ trợ thuê nhà cho công nhân, ông Trần Đức Việt, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Đức Việt cho rằng, đây là chính sách rất hợp lý để hỗ trợ cho người lao động trong bối cảnh phục hồi sản xuất sau dịch. “Công ty chúng tôi hiện nay cũng đã ký được các đơn hàng đến giữa năm 2022, do đó cũng cần tuyển thêm lao động để đáp ứng tiến độ và phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất thời gian tới.

Nếu gói hỗ trợ được triển khai sớm thì không chỉ giúp được công nhân, người lao động, mà doanh nghiệp cũng được hưởng lợi. Nếu được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê trọ thì doanh nghiệp cũng dễ thu hút được người lao động hơn, bởi nhiều lao động về quê tránh dịch sẽ sớm quay trở lại thị trường. Vấn đề là chính sách phải được triển khai thật nhanh bởi hiện nay đang là đầu năm, là mùa tuyển dụng, chúng tôi sẽ dễ tìm kiếm lao động hơn”, ông Việt cho hay.    

Đồng quan điểm, nhưng ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Linh Hân vẫn băn khoăn về quá trình triển khai.

“Chính sách hỗ trợ công nhân thì cũng chính là giúp doanh nghiệp, và tôi biết thông tin Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo chính sách. Tuy nhiên, tôi cũng có nghe thông tin rằng, việc lập danh sách này sẽ được giao cho các phường, xã để triển khai. Nếu như khâu lập danh sách được giao cho các địa phương có thể sẽ phát sinh thêm thủ tục rườm rà. Do đó, khâu lập danh sách công nhân hỗ trợ nên đưa về các doanh nghiệp để việc hoàn thiện hồ sơ được nhanh nhất. Bởi chắc chắn không ai nắm rõ công nhân của mình hơn chính doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp lập hồ sơ, danh sách xong sẽ chuyển sang các cơ quan chức năng phê duyệt, như thế sẽ thống nhất và nhanh hơn. Doanh nghiệp nào làm sai để trục lợi thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quá trình hậu kiểm được làm chặt chẽ thì sẽ không thể trục lợi được”, ông Hùng kiến nghị.

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng được triển khai sẽ là chính sách hỗ trợ hết sức nhân văn của Nhà nước đối với đội ngũ công nhân, người lao động, những người trực tiếp sản xuất của cải cho xã hội nhưng đời sống đang rất khó khăn hiện nay. Hàng chục triệu công nhân hiện nay đa phần là những lao động xa quê lên thành phố làm việc, gói hỗ trợ sẽ giúp công nhân, người lao động có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống sau gần 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Đây là lúc người lao động đang khó khăn nhất nên rất cần được hỗ trợ. Vấn đề là các cơ quan xây dựng chính sách cần rút kinh nghiệm từ những gói hỗ trợ trước để đơn giản thủ tục, triển khai nhanh nhất. Cần phải hỗ trợ nhanh, chứ đến lúc mọi thứ ổn định trở lại, họ không cần nữa mới triển khai được thì việc hỗ trợ lại không còn nhiều ý nghĩa nữa”, PGS.TS Vũ Quang Thọ nói.

Phan Hoạt
.
.
.