“Bỏ mặc” đấu thầu, vàng miếng vượt 89 triệu đồng/lượng

Thứ Năm, 09/05/2024, 16:18

Bất chấp giá vàng thế giới đi ngang, giá vàng SJC tiếp tục tăng sốc.

Sau phiên đấu thầu lần thứ 2, với 3.400 lượng vàng miếng SJC được cung ra thị trường, giá vàng ngày 9/5 lại tiếp tục “dậy sóng” khi chính thức vượt mốc 89 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, giá vàng SJC đang tăng mạnh với mức tăng hàng trăm nghìn đồng mỗi lượng theo từng giờ đồng hồ trong ngày 9/5. Từ đầu tuần đến nay, giá vàng SJC đã tăng 3-3,5 triệu đồng/lượng và ngày càng chênh lệch với giá vàng quốc tế.

Một mình một chợ, vàng miếng SJC hướng đến 90 triệu đồng/lượng -0
Giá vàng thế giới hiện đang đi ngang

Cập nhật đến đầu giờ chiều ngày 9/5, giá vàng SJC chính vượt vượt mốc 89 triệu đồng/lượng, tăng kể từ khi mở cửa đến lúc 13h30. Và đến 15h, giá vàng SJC đã lên đến 89,5 triệu đồng/lượng.

Theo đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua vào bán ra của SJC là 87,2-89,5 triệu đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch mua bán là 2,3 triệu đồng/lượng.

Điều đáng nói, trong khi vàng miếng SJC liên tục tăng, thì giá vàng nhẫn trong nước tiếp tục đi ngang theo giá quốc tế. Giá vàng nhẫn trơn ngày 9/5 không có nhiều biến động vẫn ở mức 73,3-75,0 triệu đồng/lượng.

Cùng ngày, giá vàng thế giới giao dịch ở ngưỡng 2.315 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.770 VND/USD), vàng thế giới đứng tại 72,73 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng gần 18 triệu đồng.

Việc giá vàng thế giới đi ngang được cho là do thị trường chưa thể xác định chắc chắn triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Sự bấp bênh về triển vọng lãi suất này khiến giá vàng gần đây giằng co quanh mốc 2.300 USD.

Trở lại với vàng miếng SJC, trước việc càng đấu thầu, giá vàng miếng SJC càng leo thang, các chuyên gia tiếp tục kiến nghị nên cho nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung.

Đề xuất này đã nhiều lần được các chuyên gia kiến nghị, song đến giờ vẫn chưa có quyết định thay đổi gì từ cơ quan quản lý. Có ý kiến lo ngại việc nhập khẩu vàng sẽ tạo thêm áp lực lên tỷ giá. Song, theo các chuyên gia, không nên lo lắng về điều này bởi lâu nay không cho phép nhập khẩu vàng thì ngoại tệ vẫn chảy vào vàng qua đường nhập lậu. Chênh lệch giá vàng cao khuyến khích nhập lậu vàng.

Trong khi đó, theo tính toán của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, nếu nhập khẩu tốn hết khoảng 3 tỷ USD – một con số không quá lớn. Chưa kể, cho phép xuất nhập khẩu vào chính thức sẽ khuyến khích được xuất khẩu vàng nữ trang, giúp thị trường cân bằng được ngoại tệ.

Hà An
.
.
.