Bình Dương kiên định với “mục tiêu kép”

Thứ Ba, 17/08/2021, 11:12

Mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Bình Dương vẫn kiên định với "mục tiêu kép", huy động cả hệ thống chính trị để dập dịch hiệu quả, đồng thời tập trung duy trì phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và phục hồi sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021.

Tính đến ngày 17/8, Bình Dương ghi nhận 46.501 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4, trong đó có 390 bệnh nhân tử vong. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Bình Dương vẫn kiên định với "mục tiêu kép", huy động cả hệ thống chính trị để dập dịch hiệu quả, đồng thời tập trung duy trì phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và phục hồi sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021.

Bình Dương kiên định với “mục tiêu kép” -0
 Cơ quan chức năng Bình Dương kiểm tra sản xuất tại 1 doanh nghiệp.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong tháng 7/2021, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội (KT-XH) giảm so với tháng 6/2021 và cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Diễn biến phức tạp của dịch sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống và KT-XH của tỉnh trong thời gian tới. Do vậy mà Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương đề xuất 2 kịch bản phát triển KT-XH của tỉnh trong những tháng cuối năm 2021. Theo đó, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10/2021 (đạt mục tiêu tiêm ngừa trên 95% dân số) thì tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được phục hồi nhanh chóng, không đáng lo ngại. Còn kịch bản đến tháng 12/2021 dịch bệnh mới được kiểm soát thì chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi ở mức trên 7,8%, xuất khẩu được duy trì tăng khoảng 12%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 12,3%... tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến chỉ đạt khoảng 6,4%, thấp hơn kế hoạch đề ra.

Để duy trì phát triển KT-XH, trong thời gian sắp tới Bình Dương sẽ tận dụng tối đa thời gian và nguồn lực để chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo. Thần tốc hơn nữa trong tiêm phủ vắc xin, phấn đấu đến hết tháng 8/2021 đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 trên 85% cho các đối tượng. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các lao động tại các doanh nghiệp thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" nhằm giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Bảo vệ vững chắc "vùng xanh" và từng bước "xanh hóa" một số địa bàn khả thi. Tập trung tiêm vắc xin, trước mắt ưu tiên công nhân lao động của các doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng dịch và có nhu cầu sản xuất sớm, sản xuất hàng hóa quan trọng có giá trị cao góp phần cung cấp cho các chuỗi cung ứng.

Về lâu dài, có 5 giải pháp được Bình Dương chủ động xây dựng để phục hồi kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2021 đó là tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển. Đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công để sớm đưa dòng tiền vào lưu thông, hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả KT-XH.

Bình Dương kiên định với “mục tiêu kép” -0
 Chốt kiểm soát dịch bệnh tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính không thật sự cần thiết, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; xuất, nhập khẩu.

Tập trung triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp ngay khi Chính phủ thông qua Chương trình phục hồi kinh tế đang được kỳ vọng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Triệt để triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng, chống dịch đảm bảo hiệu quả, kịp thời và đúng đối tượng. Xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp áp dụng tốt phương án "3 tại chỗ". Nghiên cứu điều chỉnh phương án "1 cung đường, 2 địa điểm" theo hướng phù hợp hơn, thông thoáng hơn để khuyến khích áp dụng cho các doanh nghiệp không thể thực hiện phương án "3 tại chỗ".

Giải pháp cuối cùng là tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan để ổn định tâm lý, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, để đạt mục tiêu giữ vững và bảo vệ bằng được "vùng xanh", sớm ổn định tình hình trở về trạng thái bình thường mới, các địa phương phải thực hiện đồng bộ, liên tục các nhóm giải pháp. Và để việc đưa "vùng xanh" trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới là tổ chức lại sản xuất, từng bước mở rộng dịch vụ thương mại. Doanh nghiệp muốn hoạt động phải có phương án phòng, chống dịch. Nơi nào thực hiện đúng chỉ đạo, đủ điều kiện mới cho mở lại, ngược lại kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động. Về tổ chức sản xuất, đảm bảo nhà trọ phải "xanh", công nhân phải "xanh", nhà máy phải "xanh", không đủ “3 xanh” thì yêu cầu ngừng sản xuất.

Khảo sát tổ chức lại theo mô hình công nhân một công ty ở cùng một địa điểm trọ đủ điều kiện an toàn và khi vào nhà máy được xét nghiệm sàng lọc theo quy định. Hoặc loại hình một nhà trọ có công nhân làm nhiều công ty, phải tổ chức các công ty đảm bảo xanh thì nhà trọ mới được đánh giá xanh….

Về vấn đề tiêm vắc xin, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết sẽ tiêm hết cho các doanh nghiệp trong "vùng xanh" thực hiện "3 tại chỗ". Tính đến thời điểm này đã tiêm xong cho 4 khu công nghiệp có doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", các khu còn lại đạt tỷ lệ 70%.

Phương Tuyền
.
.
.