Bảo vệ tàu cá neo đậu tại cảng cá Thọ Quang trong thời gian phong tỏa chống dịch

Thứ Năm, 12/08/2021, 09:01

Trong thời gian giãn cách phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 3/8 đến nay, đã có 3 tàu cá neo đậu tại Âu thuyền – cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, bất ngờ bị chìm, gây thiệt hại nặng nề tài sản của ngư dân. Nguyên nhân tàu cá bị chìm do đâu?

Cụ thể, vào lúc 1h ngày 3/8, tàu cá QNg 92383TS của ông Phạm Hồng Đào, trú tại thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An, Quảng Ngãi, neo đậu tại phao bù số 7B, đối diện cây xăng dầu Thái Quang, thuộc khu vực Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, bất ngờ bị chìm, khi trên tàu này có hơn 2 tấn dầu. Tại thời điểm xảy ra sự cố chìm, tàu cá không có người trông giữ; số dầu trên tàu đã tràn ra ngoài gây ảnh hưởng đến môi trường biển.

tau ca.jpg -0
Một tàu cá bị chìm tai Âu thuyền – cảng cá Thọ Quang. 

Ngay khi phát hiện, Ban Quản lý Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang đã phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, chi nhánh miền Trung; lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và Đồn biên phòng Sơn Trà xử lý. Ngay trong đêm đến rạng sáng hôm sau, các lực lượng dùng phao chuyên dụng quây khu vực tàu cá bị chìm, ngăn chặn lượng dầu tràn loan rộng ra môi trường.

Điều đáng quan tâm, do khu vực Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang, nơi tàu cá bị chìm đang được TP Đà Nẵng phong tỏa, cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 nên lực lượng chức năng yêu cầu tất cả người tham gia ứng cứu sự cố phải bảo đảm tuân thủ các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Qua liên lạc với chủ tàu là ông Phạm Hồng Đào thì người này cho biết, do phải giãn cách vì dịch COVID-19 nên không thể ra TP Đà Nẵng trong thời gian neo đậu tàu cá tại Âu thuyền – cảng cá Thọ Quang. Tuy nhiên, ông Đào có thuê người trông giữ tàu cá là ông Nhật. Trong khi đó, vào thời điểm xảy ra sự cố, tàu cá của ông Đào không có người trông giữ.

Mới đây, vào rạng sáng 7/8, 2 tàu cá số hiệu ĐNa 63217 và ĐNa 77111, do ông Trần Bình và ông Lê Văn Hòa cùng trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê làm chủ, cũng bị chìm khi đang neo đậu tại khu vực Âu thuyền – cảng cá Thọ Quang. Ông Hòa cho hay, tàu cá của gia đình ông trị giá 400 triệu đồng. Tàu chìm khiến nắp hầm cá bị vỡ, bộ phận máy, các thiết bị trên tàu bị hư hỏng nặng, thiệt hại ước tính 70 triệu đồng. Và, mặc dù biết tin tàu cá của mình bị chìm, nhưng do khu vực Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang đang được phong tỏa cứng nên ông chưa thể vào hiện trường...

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, Âu thuyền – cảng cá Thọ Quang, thuộc phường Thọ Quang, đang có chuỗi lây nhiễm COVID-19 với nguy cơ rất cao. Tính đến 13h ngày 9-8, chuỗi lây nhiễm này đã có đến 771 trường hợp mắc COVID-19. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, TP Đà Nẵng đã nghiêm cấm người không có phận sự vào trong khu vực cảng cá Thọ Quang, kể cả lực lượng Công an, báo chí, các đoàn từ thiện…

Trong khi đó, thống kê sơ bộ, hiện tại Âu thuyền – cảng cá Thọ Quang có gần 300 tàu, thuyền neo đậu. Rất nhiều tàu cá không có người trông giữ, cũng không được vào nổ máy, chăm sóc. Vì thế, nhiều tàu cá để nước vào lâu ngày nên khả năng bị nước tràn dẫn đến sự cố chìm tàu. Việc 3 tàu cá neo đậu trong Âu thuyền – cảng cá  Thọ Quang bị chìm, nguyên nhân được xác định chủ yếu là do chủ tàu không thể vào bơm nước trong tàu ra được.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cũng trao đổi rằng, khi ngư dân phải ra khỏi cảng cá để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, đơn vị có cử người cùng Ban Quản lý Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang canh giữ tàu cho ngư dân. Việc tàu chìm có nhiều nguyên nhân, nhưng không loại trừ nguyên nhân không bơm nước ra ngoài được nên bị chìm. Trong tình thế ưu tiên cho chống dịch thì có một số bất cập, hoặc thiệt hại, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp, tìm mọi cách để hỗ trợ ngư dân bảo vệ tàu...

Qua sự việc trên, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Ban Quản lý Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại cảng cá Thọ Quang. Do đó, đơn vị này phải kiểm soát phương tiện tàu cá cập bến, hoặc rời cảng cá. Khi tàu cá cập cảng, phải khẩn trương thực hiện xét nghiệm và bốc dỡ hàng hóa đối với những tàu có kết quả xét nghiệm của tất cả các thuyên viên âm tính. Đối với những tàu cá, thuyền viên có kết quả xét nghiệm dương tính thì phải xử lý theo quy định phòng, chống dịch.

Sau khi bốc dỡ hàng hóa, tất cả các thuyền viên phải đi cách ly y tế theo quy định, chỉ để 1 người có kết quả âm tính ở lại trông giữ tàu. UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu, rà soát những tàu cá hiện nay không có người quản lý, bảo vệ đang neo đậu tại Âu thuyền – cảng cá Thọ Quang để phối hợp với các địa phương, UBND các phường thông báo cho các chủ tàu biết; đề nghị chủ tàu đưa 1 người đến quản lý, bảo quản tàu. Đồng thời, giao UBND phường cấp giấy đi đường cho người được cử đến quản lý, bảo quản tàu cá. Người đến quản lý, bảo quản tàu cá phải chấp hành công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Hoài Thu
.
.
.