Bảo đảm an toàn cho người lao động để duy trì sản xuất
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh (SXKD) của nhiều doanh nghiệp (DN). Hàng loạt DN đóng cửa, tạm dừng hoạt động do không đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”.
Điều mà DN mong đợi nhất hiện nay là các chính sách hỗ trợ đến kịp thời; công nhân trong nhà máy được tiêm vaccine để đảm bảo an toàn khi tái khởi động lại sau giãn cách xã hội.
So với cùng kỳ, tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, với sự điều hành linh hoạt của tỉnh, sự nỗ lực của các DN nên tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7/2021 đạt trên 64 triệu USD, nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt hơn 407 triệu USD (tăng 9,4% so với cùng kỳ). Trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thể hiện quyết tâm rất lớn của các DN, chủ yếu tập trung ở mặt hàng tôm đông lạnh với trên 396 triệu USD.
Thực tế cho thấy, để sản phẩm của nông dân có đầu ra, các DN phải tiêu thụ tôm. Với việc chỉ có 300 lao động/nhà máy đã dẫn đến tình trạng tôm nguyên liệu thu mua vào nhiều, nhưng thiếu công nhân làm việc. Nhằm giải quyết khó khăn này, nhiều DN xuất khẩu cấp đông nguồn nguyên liệu, khi nào cần chế biến thì rã đông. Giải pháp tình thế này làm cho chi phí phát sinh thêm từ 600-800 đồng/kg tôm; trong khi hàng rã đông sẽ giảm từ 3-5% giá trị về chất lượng, ảnh hưởng đến giá bán, lợi nhuận của DN. Thêm vào đó, do hàng chế biến nhiều nhưng xuất khẩu chậm làm phát sinh thêm chi phí kho lạnh; dòng tiền; chi phí phòng chống dịch, xét nghiệm và test nhanh COVID-19 cho công nhân…
Tại Cần Thơ, nhiều DN chấp nhận đóng cửa vì không đủ năng lực vừa an toàn sản xuất kinh doanh, vừa phòng dịch. Thêm vào đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu có nhiều nguy cơ đứt gãy và năng lực nội tại của DN còn hạn chế, nên DN khó giữ nhịp sản xuất. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP may Meko (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ), cho biết: “Công ty đã ngừng hoạt động từ 15/7/2021 đến nay, do không đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”. Chỉ có tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công nhân thì công ty mới an tâm mở cửa hoạt động”.
Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ, có một số DN thực hiện “3 tại chỗ”, một số đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện vì nhà xưởng quá hẹp, chỉ vừa đủ chỗ sản xuất, không đủ diện tích vừa là nơi ăn ngủ, điều kiện vệ sinh cho công nhân. Thực tế có DN thực hiện vài ngày hoặc một tuần, nhưng sau đó bỏ cuộc vì số lượng công nhân đăng ký ở lại không đủ để sản xuất, số công nhân ở lại nhà máy lại xin về; chi phí nuôi công nhân tăng lên nên xét thấy không hiệu quả. Trong tình huống này, chính quyền khó mà hỗ trợ cho DN vì điều kiện tổ chức “3 tại chỗ” hoàn toàn thuộc về DN.
Hiện, khu vực ĐBSCL trong toàn chuỗi sản xuất lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, với người nông dân, các tổ thu hoạch lúa gặp khó khi phải thực hiện nhiều công tác liên quan như việc ra đồng phải test COVID-19, khó khăn trong quản lý thu hoạch. Đồng thời, phương tiện vận chuyển của thương lái trong tỉnh và ngoài tỉnh cũng gặp khó.
Về vấn đề này, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần có sự thống nhất về các phương tiện của DN, thương lái. Chỉ cần phương tiện đó gắn mã nhận diện, người vận chuyển phương tiện được test âm tính thì được đi qua để vừa phòng dịch vừa thuận lợi cho lưu thông. Bởi thực tế, nhiều thương lái phản ánh về vùng dịch phải cách ly nên có tâm lý ái ngại…
Những tuần giãn cách xã hội cũng là thời gian các DN thực hiện “3 tại chỗ” trong sự an toàn như mục tiêu đang thực hiện. Để có được sự an toàn đó, DN phải chấp nhận việc tăng chi phí và gần như không có lợi nhuận. Theo chia sẻ của nhiều DN, đã SXKD thì lợi nhuận luôn là mục tiêu hàng đầu của mỗi đơn vị. Tuy nhiên, trong tình hình COVID-19 bùng phát khắp các tỉnh, thành phía Nam như hiện nay nếu các DN cứ khư khư giữ mục tiêu lợi nhuận sẽ rất khó duy trì được sản xuất vì tất cả chi phí đều tăng rất cao. Do đó, hầu hết DN tạm gác lại mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng để tập trung đảm bảo an toàn cho người lao động để duy trì sản xuất, giữ chân khách hàng. Có như vậy DN mới có thể trở lại tăng trưởng một cách nhanh chóng sau khi dịch bệnh được khống chế...