Bắc Ninh: Thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Thứ Năm, 05/12/2024, 20:17

Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng hơn 23.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có hơn 19.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hoạt động của các doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2024, kinh tế tư nhân của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương, đặc biệt qua việc thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Từ đầu năm, Bắc Ninh đã thu hút trên 4,5 tỷ USD vốn FDI, xếp hạng cao nhất cả nước, với sự đầu tư của các tập đoàn lớn như Foxconn và Goertek. Các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo chiếm ưu thế, đặc biệt là sản xuất linh kiện điện tử, nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% trong 9 tháng đầu năm.

Bắc Ninh: Thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển -0
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn xúc tiến đầu tư tại Mỹ, trực tiếp giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp (tháng 9/2024)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh dự kiến đạt khoảng 5-6% vào cuối năm 2024. Khu vực dịch vụ cũng phát triển mạnh mẽ, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 74.778 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm trước. Các thành quả này có được nhờ vào hạ tầng phát triển đồng bộ và chính sách đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân mở rộng.

Các chuyên gia đánh giá, kinh tế tư nhân đã đóng góp vào tăng trưởng của Bắc Ninh không chỉ về công nghiệp mà còn cả trong thương mại điện tử và dịch vụ hiện đại, thể hiện rõ nỗ lực từ các chính sách điều hành kinh tế của tỉnh. Nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân, Bắc Ninh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh cơ sở hạ tầng. Hệ thống giao thông và các tiện ích xã hội được nâng cấp đáng kể để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp. Sự hiện diện của các nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 từ khu vực kinh tế tư nhân cũng giúp Bắc Ninh hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ, giúp gia tăng khả năng tự cung ứng linh kiện và sản phẩm phụ trợ trong chuỗi sản xuất.

Lắng nghe để thấu hiểu nhiều hơn

Với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, huy động cao nhất các nguồn lực xã hội, lãnh đạo tỉnh tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thay đổi tư duy, tác phong phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nhận định, nếu như mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” gồm các chuyên gia từ các sở, ngành, sẵn sàng tư vấn và hướng dẫn doanh nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể như tài chính, luật pháp và thị trường, giúp họ tiếp cận các nguồn lực và chính sách hỗ trợ nhanh chóng hơn, thì mô hình “Tổ công tác đặc biệt” của tỉnh Bắc Ninh đã đạt được nhiều hiệu quả nổi bật trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã vượt qua các khó khăn.

Tổ công tác này do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đứng đầu, với các thành viên là lãnh đạo sở ngành, đã tạo ra một quy trình làm việc nhanh chóng và minh bạch, giúp tiếp nhận và xử lý kịp thời các vấn đề mà doanh nghiệp đối mặt trong các lĩnh vực như đất đai, môi trường, quy hoạch, đầu tư, lao động và an ninh.

Cơ chế hoạt động của tổ công tác dựa trên việc thiết lập các kênh truyền thông đa phương tiện, từ cổng thông tin điện tử của tỉnh, các nhóm Zalo đến email cá nhân của các thành viên tổ công tác, giúp doanh nghiệp dễ dàng phản ánh khó khăn của mình. Đồng thời, các “Tổ chuyên gia” chuyên trách từng lĩnh vực được thành lập để theo dõi và đôn đốc các đơn vị liên quan xử lý các vướng mắc cụ thể, đảm bảo tiến độ và hiệu quả trong việc tháo gỡ các khó khăn.

Điểm nhấn của Bắc Ninh thời gian gần đây, đó là chương trình “Gặp gỡ doanh nhân hàng tháng” đã và đang được triển khai nhiều hiệu quả. Mô hình này được đánh giá cao nhờ tạo ra một môi trường giao tiếp gần gũi và cởi mở giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Diễn ra vào ngày 13 hàng tháng, các cuộc gặp này tập trung vào các vấn đề thiết yếu như tiếp cận đất đai, quy hoạch, xúc tiến thương mại và chuyển đổi số, với mục tiêu nâng cao sự kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả. Chính quyền Bắc Ninh cam kết lắng nghe, minh bạch hóa thông tin và xử lý nhanh chóng các khó khăn của doanh nghiệp, từ đó xây dựng niềm tin và thúc đẩy tinh thần đóng góp từ các doanh nhân.

Đặc biệt, các cuộc gặp gỡ này có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao tỉnh như Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, giúp doanh nghiệp dễ dàng chia sẻ ý kiến và đề xuất trực tiếp. Các hiệp hội doanh nghiệp cũng được khuyến khích tổng hợp và chuyển tiếp các vấn đề ưu tiên để giải quyết, đảm bảo rằng các trở ngại gặp phải được xử lý một cách hiệu quả và bảo mật khi cần thiết.

Nhờ các chính sách minh bạch và quy trình nhanh chóng của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đánh giá rằng Bắc Ninh là một điểm đến kinh doanh lý tưởng, giúp họ mở rộng sản xuất và đầu tư lâu dài. Việc cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đã giúp tỉnh Bắc Ninh thu hút nguồn vốn lớn, gia tăng lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp vào tiềm năng phát triển bền vững của tỉnh.

“Doanh nghiệp tại Bắc Ninh đánh giá cao các chính sách hỗ trợ và tinh thần đồng hành của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt qua các mô hình gặp gỡ và hỗ trợ trực tiếp. Những chính sách này giúp doanh nghiệp cảm thấy được lắng nghe và hỗ trợ kịp thời, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, đất đai và kết nối hạ tầng.

Các cuộc gặp gỡ hàng tháng với lãnh đạo tỉnh đã tạo không gian đối thoại cởi mở, giúp doanh nghiệp tự tin hơn khi chia sẻ khó khăn và đóng góp ý kiến cho chính sách phát triển địa phương”, ông Manish Jaitha, Chủ tịch công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam đánh giá.            

Thu Thuỷ
.
.
.