Xuất khẩu và đầu tư công vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021

Thứ Hai, 23/11/2020, 09:05
Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Theo đó, GDP tăng khoảng 6% so với năm 2020; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; lạm phát bình quân khoảng 4%... Cách nào để nền kinh tế đạt mục tiêu này?

Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Một trong những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế đó là thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các nhiệm vụ cơ cấu lại và phát triển các ngành, lĩnh vực. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng phù hợp, phát triển mạnh thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu (XK) trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, chúng ta cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ, quyết liệt để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả ba động lực tăng trưởng chủ yếu gồm: Đầu tư, XK và tiêu dùng, để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Bởi theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, giữa thời cơ và thách thức phải làm sao tận dụng thời cơ tốt nhất, nếu không thời cơ sẽ lại biến thành thách thức. Xu hướng dịch chuyển chuỗi đầu tư, thương mại là cơ hội nhưng nếu không hành động nhanh, quyết liệt và đúng đắn thì các cơ hội này sẽ trôi qua.

Năm 2021 cần chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công.

Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công là một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế 2021. Nước ta cần tập trung đầu tư vào các công trình hạ tầng kết nối để thúc đẩy lưu thông, XNK hàng hóa, nhất là hạ tầng kết nối giữa các vùng và giữa các hệ thống đường cách xa đường quốc lộ, đường cao tốc, hệ thống đường gom và với các cơ sở hậu cần đang có hiện nay, đồng thời cần phải kết nối đường sắt với các cảng biển quốc tế, thay vì chỉ kết nối với đường bộ như hiện nay.

Về động lực để đầu tư công có thể bứt phá hơn trong năm 2021, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam đánh giá, một loạt vướng mắc về những quy định cũng như cách thức triển khai từ trước đến nay đối với nguồn vốn này đã được điều chỉnh, từ việc xây dựng chủ trương đầu tư, xây dựng dự án, phân bổ vốn đầu tư, thủ tục giải ngân... Điều này đã góp phần tháo gỡ những khó khăn từ trước đến nay trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, những giải pháp rất quyết liệt trong chuyển hình thức đầu tư hoặc cách thức để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã linh hoạt, sáng tạo hơn so với những năm trước đây.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, theo số liệu thống kê 10 tháng năm 2020, rõ ràng những chỉ tiêu về tăng trưởng, GDP cũng tương đối cao, lạm phát ổn định, nằm trong giới hạn dưới 4%. Các chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư xã hội vẫn tăng lên, chỉ số đầu tư tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao. Chúng ta thấy, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các quốc gia có quan hệ với Việt Nam đều thực hiện chính sách đóng cửa biên giới để phòng chống dịch, nhưng rõ ràng XK của Việt Nam trong 10 tháng qua vẫn tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, đến nay kim ngạch XNK đã cán đích xấp xỉ 440 tỷ USD, trong đó XK đạt 229,27 tỷ USD và nhập khẩu đạt 210,55 tỷ USD.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cạnh nguồn vốn đầu tư công, XK, thì chúng ta cần thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đón sóng đầu tư FDI. Một trong những cơ hội cần tận dụng đó là đón đầu dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Trong bối cảnh ngân sách đang hạn hẹp, nguồn vốn đầu tư FDI cũng như vốn đầu tư tư nhân sẽ là động lực để tái thiết nền kinh tế. Trên thực tế, về đầu tư, đang có nhiều cơ hội mở ra cho Việt Nam khi sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường lớn nhưng kém an toàn.

Trong 10 tháng năm 2020, Việt Nam vẫn thu hút được gần 23,5 tỷ USD, giảm 20% so với năm 2019 cho dù trên toàn cầu, dòng vốn đầu tư sụt giảm tới 40%. Nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang thiết lập các kênh thông tin để tìm hiểu, đầu tư tại Việt Nam, điều đó cho thấy những cơ hội thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

Lưu Hiệp
.
.
.