Xăng dầu kém chất lượng sẽ phải được tái chế
Ngày 2/12, ông Trịnh Minh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP HCM - đơn vị vừa phát hiện 11 cơ sở kinh doanh xăng dầu kém chất lượng trên địa bàn cho biết: So với năm 2010, những sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đã tăng gần gấp đôi, cách thức cũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Số lượng cơ sở được kiểm tra (55 cơ sở) cũng là rất ít so với số lượng cơ sở đang kinh doanh xăng dầu trên địa bàn (khoảng 500 cơ sở). Có thể còn nhiều địa chỉ khác đang sai phạm mà chưa được phát hiện".
Thường xuyên chỉ đạo các chiến dịch thanh tra xăng dầu trên toàn quốc, ông Trịnh Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ khẳng định: Những sai phạm về chất lượng xăng dầu thường rất ít (phổ biến vẫn là các sai phạm về đo lường) và cũng chủ yếu xảy ra ở các vùng ven các đô thị lớn, nơi mà việc kiểm soát vốn lỏng lẻo.
Qua thanh tra, sai phạm thường gặp là các cơ sở kinh doanh pha thêm dầu hỏa, dầu diesel, cồn etanol vào trong xăng, tạo ra mẫu xăng có chỉ số octan thấp song vẫn bán với giá của xăng có chỉ số octan cao nhằm trục lợi. Xăng A83 hiện nay rất ít người sử dụng (chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa hoặc trang thiết bị của quân đội), nhiều đại lý đầu mối cũng đã ngừng kinh doanh.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn rất dễ bị "bịt mắt" khi ở nhiều nơi, xăng A83 được pha với xăng A92 để bán với giá A92, xăng A92 được pha với xăng A95 để bán với giá của A95, trong khi giá thành giữa chúng chênh lệch 500 đồng/lít.
"Vấn đề đáng ngại nhất hiện nay là phải làm cho rõ nguồn gốc xăng kém chất lượng ấy ở đâu ra, được sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp tự pha chế thì dùng công nghệ gì, bởi có nhiều mẫu kiểm tra có chỉ số octan rất lạ, không biết được pha từ thứ gì. 11 cơ sở vi phạm trên sẽ buộc phải tái chế xăng, đảm bảo chỉ số octan theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải bồi hoàn khoản lợi nhuận thu được từ việc gian lận. Nếu không thực hiện, doanh nghiệp có thể bị đình chỉ kinh doanh" - ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Trần Minh Dũng cũng cho rằng, việc xử lý những sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hiện nay vẫn còn rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Theo Nghị định 54/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang có hiệu lực, sai phạm trong lĩnh vực chất lượng xăng dầu bị xử phạt tối đa 30 triệu, trong khi lợi ích từ việc vi phạm là rất lớn.
Rất nhiều doanh nghiệp có thể sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt, vì tính theo bài toán lợi ích, họ vẫn có lãi. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 104/2011/NĐ-CP ngày 16/11/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu (có hiệu lực từ ngày 1/1/2012), song mức xử phạt cho hành vi gian lận chất lượng xăng dầu vẫn chỉ là 30 triệu đồng
Ngoài việc phạt tiền, doanh nghiệp còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu tới 12 tháng hoặc trên 12 tháng nếu vi phạm nhiều lần hay vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá