WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2015 lên 6%
Lãi suất tại Hoa Kỳ dự đoán sẽ tăng làm cho vốn vay càng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nước mới nổi và các nước đang phát triển trong vài tháng tới. Điều đó sẽ gây tổn thương đặc biệt nghiêm trọng đối với các thị trường mới nổi, do các thị trường này dễ bị tổn thương và do triển vọng tăng trưởng tại đây đang yếu đi. Đối với các nước xuất khẩu hàng hóa vốn đang vật lộn với giá hàng hóa thấp và các nước chưa có chính sách rõ ràng, thì việc dòng vốn bị cắt giảm lại càng là một thách thức chính sách lớn hơn nữa.
Các chuyên gia của WB khuyến cáo: cùng với chi phí vốn vay đe dọa sẽ tăng, nhiều nước đang phát triển phụ thuộc nặng vào xuất khẩu hàng hóa, trong khi giá dầu và giá hàng hóa sắp bước vào một đợt suy giảm mới, làm cho năm nay trở thành năm thứ 4 liên tiếp đáng thất vọng về tăng trưởng kinh tế. WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển từ 4,8% như dự báo đưa ra vào tháng 1/2015 xuống còn 4,4%. WB cũng giảm mức dự báo cho năm 2016 từ 5,3% xuống còn 5,2%, và giữ nguyên mức dự báo 5,4% cho năm 2017.
Tuy nhiên, WB lại nâng mức tăng trưởng kinh tế dự báo cho Việt Nam thêm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2015, lần lượt lên mức 6% cho năm 2015 và 6,2% cho năm 2016, cho năm 2017 là 6,5%. Như vậy, so với đầu năm 2015, các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của WB đều cao hơn. Trong báo cáo triển vọng kinh tế đầu năm 2015, WB dự báo tăng trưởng ở mức 5,6%, đạt 5,8% vào năm 2016 và 6% vào năm 2017. Theo WB, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan nhờ sự tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, với hầu hết các nước khác, WB chủ yếu giữ nguyên hoặc hạ mức dự báo, chẳng hạn như Trung Quốc, giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, còn 6,9%, 6,9% và 6,8% cho các năm 2015, 2016 và 2017.
Tại Indonesia, tăng trưởng dự báo sẽ giảm xuống 4,7% năm 2015 (dự báo trước đó là 5,2%), sau đó sẽ tăng dần nhờ phục hồi đầu tư và xuất khẩu. Tại Thái Lan, GDP dự tính sẽ tăng 3,5% năm 2015 (giữ nguyên so với dự báo trước đó), trong đó xuất khẩu tăng nhẹ. Tại Malaysia tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 4,7% năm 2015 do giá dầu thấp làm giảm đầu tư trong ngành dầu khí trong khi đó tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm…
Các chuyên gia của WB cho rằng, tăng cầu trong nước vẫn là yếu tố chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực, mặc dù mức cầu bên ngoài thấp và chịu áp lực cạnh tranh do đồng tiền nhiều nước trong khu vực tăng giá. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục giữ ở mức thấp thì đây sẽ là yếu tố thuận lợi đối với viễn cảnh kinh tế khu vực, nhưng giá cả hàng hoá thấp đang cản trở tăng trưởng tại các nước xuất khẩu hàng hoá và các nước này phải tự điều chỉnh để thích ứng với hoàn cảnh đó.
WB lưu ý khi quá trình nâng lãi suất của Fed bắt đầu, thách thức chắc chắn sẽ tăng cao, vì thế nên thận trọng với chi phí vay mượn cao hơn tại các thị trường mới nổi cũng như biến động trên các thị trường tài chính, ông Ayhan Kose - Giám đốc Viễn cảnh Phát triển của WB: “Nếu các thị trường mới nổi không thực hiện các chính sách cẩn trọng nhằm đối phó tốt với bất ổn tài chính và bất ổn từ bên ngoài thì họ sẽ gặp khó khăn đáng kể khi phải đối phó với cơn bão thắt chặt chính sách của Fed và các hệ quả đi kèm khác".