Vướng xử lý, nợ xấu nội bảng nhiều ngân hàng tăng trở lại

Chủ Nhật, 26/05/2019, 07:42
Theo số liệu từ báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng, nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại trong quý I/2019, trong đó đáng chú ý, nợ nhóm 5- nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 1 nửa.

Trong báo cáo mới đây gửi tới các đại biểu Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Cụ thể, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3-2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3-2019 giảm về mức 2,02%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016. Tuy nhiên, nếu so với con số báo cáo tháng 12-2018, mức nợ xấu này đã tăng 0,13 điểm %. Bức tranh toàn cảnh này cho thấy, trong quý I/2019, nợ xấu nội bảng của các TCTD có dấu hiệu tăng trở lại.

Ảnh minh họa: Hơn 45 nghìn tỷ đồng nợ của các tổ chức tín dụng có khả năng mất vốn. 

“Soi” số liệu thống kê trong báo cáo tài chính quý I của 22 ngân hàng cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng từ 1,63% tại cuối năm 2018 lên 1,66 % vào cuối quý I. Đồng thời, giá trị tuyệt đối các khoản nợ xấu của các ngân hàng trên cũng tăng thêm 4.160 tỷ lên hơn 83.225 tỷ đồng. Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trong quý I có sự góp mặt của hầu hết các “ông lớn” trong ngành như VietinBank, Vietcombank, MB, Techcombank…

Mức nợ xấu cao nhất thị trường ghi nhận trong quý I/2019 phải kể đến là BaoVietBank, khi chiếm 3,86% dự nợ cho vay, và PGBank là 3,56%. Tuy nhiên, nếu xét về quy mô, BIDV vẫn là ngân hàng có giá trị nợ xấu tuyệt đối lớn nhất với hơn 17.876 tỷ đồng, tiếp sau đó là VietinBank với 15.962 tỷ đồng nợ xấu.

“Đại gia” ngân hàng Vietcombank với 6.952 tỷ đồng nợ xấu, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng, chủ yếu tập trung ở nợ nhóm 5, ghi nhận 4.926 tỷ đồng. Trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 6% thì nợ xấu tăng gần 12% so với đầu năm, do đó kéo tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank lên 1.03%.

 Điểm đáng chú ý, nợ nhóm 5 của nhiều ngân hàng tăng khá cao. Đây là các khoản nợ được đánh giá là không còn khả năng thu hồi, khả năng mất vốn, chủ yếu là các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày. Cụ thể, tính đến ngày 31-3, nợ nhóm 5 của 22 ngân hàng được khảo sát ở mức hơn 45.000 tỷ đồng, tăng 1.850 tỷ đồng (tương đương tăng hơn 4%) so với đầu năm và chiếm tới 55% tổng nợ xấu.

Trong đó, VietinBank đang là ngân hàng có giá trị các khoản nợ khả năng mất vốn cao nhất, ở mức 10.488 tỷ đồng, tăng gần 11% so với đầu năm và chiếm tới 66% tổng giá trị nợ xấu của nhà băng này. Đứng sau VietinBank, BIDV có hơn 7.230 tỷ đồng nợ nhóm 5, tăng nhẹ 1% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng cũng đã tăng mạnh 22,6%.

Từ phía cơ quan quản lý, NHNN cho biết thời gian qua, công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Cơ quan này cũng dẫn số liệu tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến 3-2019 ở mức 5,88%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.

Lũy kế từ 15-8-2017 đến cuối tháng 3-2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, phía NHNN cũng cho biết, việc xử lý, mua bán các khoản nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ  hiện vẫn còn gặp một số khó khăn. Thứ nhất, về xác định giá trị khoản nợ làm căn cứ để bên mua, bán nợ tham khảo. Việc thẩm định giá khoản nợ đang được các tổ chức thẩm định giá thực hiện chưa theo quy chuẩn thống nhất do có sự khác biệt về phương pháp, tiêu chí định giá giữa các tổ chức thẩm định giá.

Điều này gây khó khăn cho bên mua, bên bán khoản nợ trong việc lựa chọn giá tham khảo phù họp cho giao dịch mua, bán nợ. Thứ 2 là vẫn thiếu thị trường thứ cấp và phái sinh đối với các khoản nợ. Sau khi mua các khoản nợ, bên mua nợ thực hiện quản lý, khai thác và vận hành tài sản bảo đảm cũng như rủi ro thanh khoản liên quan tới các tài sản bảo đảm này. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ này còn khó khăn vì chưa có thị trường nợ thứ cấp.

Tương tự, hiện tại chưa có các hoạt động phái sinh như nghiệp vụ chứng khoán hóa tài sản, chứng khoán hóa nợ thường và nợ xấu. Điều này dẫn đến thanh khoản của các khoản nợ rất thấp, làm giảm mức độ hấp dẫn của các khoản nợ đã mua…

Hà An
.
.
.