Vụ án "tranh chấp hợp đồng bảo hiểm" sau hơn 5 năm liệu có hồi kết?

Thứ Hai, 26/11/2012, 10:50
Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty ty TNHH vận tải biển Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) và Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) phát sinh bảo hiểm đến nay đã hơn 5 năm, trải qua hai cấp xét xử sơ và phúc thẩm.

Ngày 17/8/2011, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao quyết định giám đốc thẩm, giao cho Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo qui định của pháp luật.

Ngày 24/11, trao đổi vụ án này với Kiểm sát viên Viện KSND Tối cao được phân công  kiểm sát xét xử, được biết, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, xong liệu có là hồi kết?

Tàu "Trung Dũng 17" do Công ty Trung Dũng thuê của Công ty Cho thuê tài chính I - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công ty CTTC1) theo hợp đồng cho thuê tài chính ký năm 2003, có hiệu lực trong 7 năm. Theo thỏa thuận, Công ty Trung Dũng phải mua bảo hiểm đối với tài sản của Công ty CTTC1 là tàu "Trung Dũng 17".

Ngày 19/10/2004, hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa bên mua bảo hiểm (Công ty Trung Dũng), bên bán bảo hiểm (Công ty PJICO), bên được bảo hiểm (Công ty CTTC1). Ngày 19/7/2005, tàu "Trung Dũng 17" rời cảng Sài Gòn theo hành trình tới cảng Hải Phòng. Rạng sáng 20/7/2005, khi đến vùng biển thuộc tỉnh Phú Yên thì xảy ra tai nạn đâm va giữa tàu "Trung Dũng 17" với tàu "Thuận Phát 16". Cùng ngày, Công ty Trung Dũng đã gửi thông báo sự cố tàu "Trung Dũng 17" cho Công ty PJICO đề nghị hợp tác giải quyết và yêu cầu bồi thường cho Công ty Trung Dũng.

Tuy nhiên, Cảng vụ Qui Nhơn kết luận nguyên nhân tai nạn là do hai tàu đã tổ chức cảnh giới không tốt, không xác định được nguy cơ va chạm đang tồn tại nên không hành động tránh va đúng qui tắc. Tàu "Trung Dũng 17" bố trí sĩ quan boong trực tiếp đi ca không có bằng cấp phù hợp với cấp tàu... Dựa vào kết luận này, phía PJICO từ chối bồi thường bảo hiểm dẫn đến Công ty Trung Dũng đã khởi kiện ra tòa án.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 80/2007/KDTM-ST ngày 17/7/2007, TAND TP Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trung Dũng và Công ty CTTC1 đối với Công ty PJICO, từ đó, buộc Công ty PJICO bồi thường bảo hiểm cho Công ty Trung Dũng và Công ty CTTC1 số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, trừ khoản Công ty PJICO đã ứng 150 triệu đồng, còn phải bồi thường tiếp gần 1,5 tỷ đồng.

Đối lập với án sơ thẩm, ngày 25/7/2007, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã ra bản án số 50/2008/KDTM-PT không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trung Dũng và Công ty CTTC1, buộc Công ty Trung Dũng phải hoàn trả Công ty PJICO 150 triệu đồng đã nhận!?

Đương nhiên, để đưa ra phán quyết, cả tòa sơ và phúc thẩm đều có những lý lẽ riêng. Cấp sơ thẩm cho rằng, những sai phạm của tàu "Trung Dũng 17" không phải là lỗi cố ý; cấp phúc thẩm lại cho rằng để xảy ra tai nạn là lỗi cố ý của thuyền trưởng đã không thực hiện đúng bổn phận theo qui định của Bộ luật Hàng hải...

Ngày 20/8/2009, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có quyết định kháng nghị số 28/QĐ-KNGĐT-V12 đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 50/2008/KDTM-PT ngày 5/3/2008 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội theo hướng giữ nguyên bản án sơ thẩm số 80/2007/KDTM-ST ngày 17/7/2007 của TAND TP Hà Nội.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 11/2011/KDTM-GĐT ngày 17/8/2011 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao nhận định: "Nguyên nhân trực tiếp của vụ tai nạn đâm va giữa hai tàu dẫn đến tổn thất không phải do người được bảo hiểm cố ý gây tai nạn đâm va để được bồi thường bảo hiểm, cũng không phải do hành động quá cẩu thả của người được bảo hiểm gây ra... ".

Từ đó Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quyết định hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 50/2008/KDTM-PT ngày 5/3/2008 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, giao hồ sơ vụ án cho Tòa này xét xử phúc thẩm lại theo qui định của pháp luật. Quá trình xét xử cần đánh giá mức độ lỗi của các bên liên quan để xác định trách nhiệm cụ thể của Công ty PJICO trong việc bồi thường cho Công ty Trung Dũng và Công ty CTTC1 cho phù hợp.

Như vậy, sau hơn 5 năm, vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm có thể sẽ khép lại. Song, từ vụ án này cho thấy việc chậm trễ của cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án là khá phổ biến; mặc dù pháp luật đã có qui định cụ thể về thời hiệu tố tụng. Phải chăng, đó là nguyên nhân của tình trạng "tồn đọng" án vốn là căn bệnh trầm kha của ngành Tòa án trong nhiều năm nay

Đào Minh Khoa
.
.
.