Việt Nam không bao giờ sử dụng tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh

Chủ Nhật, 04/10/2020, 17:59
Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng tại cuộc Họp báo thông báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN 2020 diễn ra mới đây.


Cụ thể, khi chia sẻ về chính sách điều hành tỷ giá, ngoại hối sau dịch COVID-19, người đứng đầu NHNN Việt Nam cho biết: Mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có điều hành tỷ giá của NHNN là kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ, mô tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong trung và dài hạn. 

"NHNN chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế. Quan điểm đó sẽ tiếp tục được NHNN điều hành thời gian tới bao gồm duy trì sự ổn định của tỷ giá để tạo lập khuôn khổ vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế bền vững sau dịch" - Thống đốc NHNN Việt Nam khẳng định.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Trước đó, phía Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã có cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Trong Báo cáo cập nhật rủi ro Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết theo thông lệ, trong trường hợp Bộ Tài chính Mỹ tính toán và nhận thấy Việt Nam đã chạm ngưỡng cả 3 tiêu chí là Thặng dư thương mại với Mỹ và Thặng dư cán cân vãng lai, Liên tục can thiệp vào thị trường ngoại tệ, phía Mỹ sẽ có trao đổi lại với Việt Nam nhằm làm rõ hơn vấn đề. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam làm rõ với phía Mỹ về những bất đồng và sai lệch trong cách xác định các tiêu chí cũng như tính toán của hai bên. BVSC đưa ra 2 kịch bản.

Trong kịch bản tích cực, nếu Việt Nam chứng minh và thuyết phục được phía Mỹ về việc không có động thái can thiệp vào thị trường ngoại tệ trong 6 trên 12 tháng xem xét, rủi ro Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách tháo túng tiền tệ sẽ giảm xuống. Ngoài ra, để tránh rủi ro trên trở thành hiện thực NHNN có thể sẽ tạm dừng hoặc hạn chế việc mua vào ngoại tệ trong ngắn hạn. Trong kịch bản tiêu cực, nếu trong kỳ đánh giá tới, kết luận từ phía Mỹ là Việt Nam có thực hiện việc mua ngoại tệ trong 6 trên 12 tháng thuộc khung xem xét, thì khả năng Việt Nam chính thức bị Mỹ xếp vào nhóm các quốc gia thao túng tiền tệ là khá lớn. 

Nếu điều này xảy ra, phía Mỹ có thể sẽ áp các biện pháp trừng phạt bằng cách tăng mức thuế suất lên hàng hóa Việt Nam, qua đó sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Mỹ sẽ giảm sút. Đây sẽ là thông tin bất lợi đối với triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới do Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng các năm gần đây lên tới 20%.

B.K
.
.
.