Việt Nam- Anh Quốc tăng cường đối thoại về hợp tác công – tư
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, mô hình đối tác công – tư là chủ đề rất hấp dẫn của Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã đưa ra cải cách đầu tư công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) tư nhân vào đầu tư tại Việt Nam, đây là chủ trương lớn. Theo đó, chúng tôi dành thời gian xây dựng Nghị định PPP, tuy nhiên, gần 3 năm qua, hôm nay bản Nghị định mới chính thức trình lên Chính phủ Việt Nam. Nghị định PPP sẽ mở ra một kênh mới trong thu hút vốn đầu tư.
Mô hình PPP đang phát triển năng động, mỗi quốc gia đang đứng trước những thách thức trước việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Cộng đồng quốc tế, khu tài chính Luân Đôn đang tìm ra mô hình mới, nhằm cấp vốn dài hạn, có tính bền vững hơn trước, bà Fiona Woolf, Thị trưởng Khu Tài chính Luân Đôn nhấn mạnh. Theo đó, chúng tôi có kế hoạch ủng hộ để đáp ứng với những thách thức của tất cả các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Theo bà Fiona Woolf, đây là vấn đề mang tính chất liên ngành, chúng ta cần tìm ra giải pháp tối ưu đối với Việt Nam. Với kinh nghiệm quốc tế, đây là yếu tố trọng điểm trong công tác này và giải pháp tìm ra cần phù hợp với nhu cầu bản địa.
Theo ông Stanley Boots, chuyên gia tư vấn quốc tế làm việc cho Bộ KH&ĐT, nhu cầu của Việt Nam để xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, cần xấp xỉ 17 tỷ USD/năm giai đoạn 2010-2020; trong đó, 50% dự kiến sẽ được huy động từ khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam còn phải đối mặt với một số tồn tại, thách thức cần phải vượt qua. Đó là: khung khổ pháp lý phức tạp, cách tiếp cận không thống nhất về phát triển dự án; chưa hội tụ được sự đồng thuận trong xã hội và còn hạn chế về năng lực thực hiện trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam.
Trước thực tế đó, Bộ KH&DT đã chủ động nghiên cứu và tìm các giải pháp để từng bước tăng cường năng lực sử dụng vấn đề thiếu vốn ngay từ năm 2008. Năm 2009, Bộ đề xuất ban hành quyết định 71 để bước đầu cho phép thực hiện một số dự án thí điểm theo mô hình PPP. Trong 2 năm 2011-2012, Bộ KH&ĐT đã tiến hành cải tổ đáng kể bộ máy tổ chức để tương thích với nguồn vốn phát triển dự án. Năm 2013, Bộ tiến hành sửa đổi căn bản Quyết định 71, dẫn tới việc xây dựng dự thảo Nghị định PPP mới. Nội dung của Nghị định mới này mang những nội dung tiến bộ phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam cũng như những quy định, thông lệ quốc tế về PPP. Theo đó, Nghị định sẽ thống nhất cao với các văn bản pháp lý hiện hành; nỗ lực nghiêm túc giải quyết vấn đề liên quan đến khả năng vay vốn và nhu cầu của các nhà đầu tư; một khung pháp lý toàn diện hơn; nỗ lực tăng cường năng lực của các bên tham gia.
Tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT đã giới thiệu thông tin về các dự án đề xuất cần kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới. Cụ thể danh sách gồm 298 dự án của các Bộ, ngành và địa phương đề xuất với tổng nhu cầu đầu tư là 982.266 tỷ đồng; trong đó, 55 dự án thuộc 6 Bộ, 243 dự án của các địa phương và 5 dự án đã được Bộ KH&ĐT đưa vào danh mục đầu tư...