Việc thu phí dịch vụ môi trường rừng: Các chủ thủy điện nhỏ kêu bị “ép”
>> Thu tiền dịch vụ môi trường rừng: Mới chỉ “nắm người có tóc”
Chưa tính vào giá bán điện, vẫn thu phí dịch vụ
Nghị định 99/2010/NĐ-CP được ban hành nhằm mục đích ngăn chặn suy thoái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng… Chính sách này đã tạo lập một nguồn lực tài chính mới, ổn định cho công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần nâng cao đời sống người dân gắn bó với rừng. Nghị định được áp dụng từ 1/1/2011, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không nộp phí vì không đồng tình với cách thu phí hiện nay. Có địa phương không thu phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các thủy điện vừa và nhỏ năm 2011, 2012. Nhưng có địa phương như tỉnh Lào Cai kiên quyết thu phí của các thủy điện. Thậm chí, các doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ đang đứng trước nguy cơ bị tước giấy phép hoạt động điện lực do không nộp phí.
Bà Lương Thị Lợi, Giám đốc Công ty Cổ phần Linh Linh (có Nhà máy Thủy điện Nậm Khóa 3 ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Điều 5.4 Nghị định 99/2010/NĐ-CP quy định, tiền chi trả DVMTR là một yếu tố trong giá thành sản phẩm có sử dụng DVMTR và không thay thế thuế tài nguyên hoặc các khoản phải nộp khác theo quy định của pháp luật. Theo Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT biểu giá chi phí tránh được ban hành hàng năm, thì giá thành sản phẩm chưa bao gồm tiền chi trả DVMTR”.
Năm 2013, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương mới tính phí DVMTR và thuế tài nguyên nước vào giá bán điện. Nhưng, thời gian trước đó là năm 2011, 2012 quy định này chưa được áp dụng nên các nhà máy thủy điện không có nguồn để nộp phí. Đó chính là lý do doanh nghiệp muốn kiến nghị đến cơ quan chức năng để được giải quyết, xem xét lại việc thu phí của năm 2011, 2012.
Nắm được những khó khăn của doanh nghiệp và hiểu rõ trong hai năm 2011, 2012 phí DVMTR chưa được tính vào giá bán điện nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công thương cùng đề xuất miễn phí DVMTR cho các nhà máy thủy điện có công suất từ 30 MW trở xuống.
Thu phí dịch vụ môi trường rừng khi chưa tính vào giá bán điện khiến nhiều thủy điện nhỏ bức xúc. |
Trong Công văn số 3759/BNN-TCLN ngày 1/11/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề nghị Bộ Công thương ban hành quyết định thay thế, bổ sung hoặc sửa đổi Quyết định 18/2008/QĐ-BTC theo hướng tính toán đầy đủ chi phí DVMTR vào phụ lục Biểu giá chi phí tránh được; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa chi phí DVMTR vào giá mua điện trong các hợp đồng mua bán điện với các nhà máy sản xuất thủy điện vừa và nhỏ bán điện cho EVN.
Ngày 3/12/2012, Bộ Công thương cũng đã có Văn bản số 11670 khẳng định biểu giá chi phí tránh được ban hành từ năm 2009 đến năm 2012 không tính đến chi phí DVMTR và đề nghị: “Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn việc miễn tiền phải trả chi phí DVMTR nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy thủy điện nhỏ”.
Thu phí trước khi thành lập quỹ
Ngoài khẳng định việc thu phí DVMTR trong 2 năm 2011, 2012 khi chưa tính vào giá bán điện gây khó khăn cho các thủy điện nhỏ, Chi hội Các doanh nghiệp kinh doanh thủy điện ở tỉnh Lào Cai còn cho rằng: “Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai được thành lập tháng 7/2012, đến cuối năm 2012 mới triển khai ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR đối với các nhà máy thủy điện. Việc truy thu phí dịch vụ trước khi thành lập quỹ là vô lý”.
Mặc dù Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã khẳng định phí DVMTR năm 2011, 2012 chưa được tính vào giá bán điện, nhưng hai Bộ này lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau “nghiên cứu, hướng dẫn việc miễn trả tiền” mà không đưa ra hướng giải quyết cụ thể. Các nhà máy thủy điện có công suất dưới 30 MW tại Lào Cai, Hà Giang… đã nhiều lần kiến nghị lên UBND các tỉnh, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Cục Điều tiết điện lực… tính bổ sung phí DVMTR năm 2011, 2012 vào giá điện để có nguồn nộp phí DVMTR nhưng không được giải quyết.
Ngoài ra, các nhà máy thủy điện nhỏ còn có thêm một phản ứng trước việc tăng thuế tài nguyên. “Theo Quyết định 18 thì hằng năm các nhà máy thủy điện nhỏ sẽ được tăng giá bán theo thị trường, nhưng năm 2014 đã không được tăng giá bán điện mà ngược lại, thuế tài nguyên đang từ 2% tăng lên 4% là không hợp lý” - bà Lương Thị Lợi nói.
Mới đây, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương đã ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp nộp phí DVMTR, nếu không sẽ thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Khai thác rừng thì phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, đó là điều đương nhiên nhưng cơ quan chức năng cũng phải đưa ra các quy định về thu phí đồng bộ, hợp lý, hài hòa lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp. Trước những bất hợp lý trên, các Bộ, ngành chức năng cần có hướng giải quyết cho doanh nghiệp sản xuất thủy điện có công suất dưới 30 MW, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản suất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ một cách nghiêm túc, công bằng