Vì sao giá sữa ở Việt Nam cao nhất thế giới?

Thứ Sáu, 26/06/2009, 10:26
Đoàn kiểm tra liên ngành của TP HCM khảo sát nhanh ở một số cửa hàng bán lẻ “sữa ngoại” trong ngày 25/6. Kết quả đã phần nào lý giải nguyên nhân vì sao giá sữa bán lẻ ở Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới.
>> Sữa ngoại đắt nhưng chưa chắc tốt hơn sữa nội

Từ năm 2007 đến nay giá sữa tăng liên tục, đặc biệt là sữa ngoại. Nghịch lý ở đây là giá sữa bột nguyên liệu hiện nay so với cùng kỳ năm 2007 giảm 60% và giảm gần 40% so với thời điểm cao nhất của năm 2008.

Giá thành một, bán gấp đôi

Đoàn đã kiểm tra các đơn vị kinh doanh sữa hộp hiệu Jilac các loại (Công ty Xuất nhập khẩu sữa Bình Minh), sữa Dumex các loại (Công ty TNHH Thông Thịnh và Công ty Cổ phần Quốc tế), sữa bột hiệu Meije (Công ty TNHH Hoa Tím) và sữa Enfa A+ các loại (Công ty Mead Johnson Việt Nam và Công ty TNHH phân phối Tân Tiến).

Trong đó, Công ty Mead Johnson Việt Nam chủ yếu nhập sữa từ Công ty Britol Myers Squibb Thái Lan Ltd với các sản phẩm sữa hộp Enfa A+ các loại. Thông qua đơn vị phân phối là Công ty TNHH Tân Tiến, sữa Enfa A+ được đưa ra thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Theo kết quả kiểm tra, Mead Johnson Việt Nam đã đề nghị Công ty Tân Tiến bán cho người tiêu dùng với mức giá cao hơn 200% giá vốn nhập. Cụ thể, sữa Enfa pro A+ loại 400g có giá vốn hàng bán chưa tới 64.000 đồng/hộp được Mead Johnson Việt Nam bán cho Tân Tiến hơn 102.000 đồng/hộp và đề nghị Tân Tiến bán ra thị trường hơn 140.000 đồng/hộp, cao hơn 220% so với giá vốn.

Một mã hàng khác, Enfa Pro A+ loại 900g giá vốn chưa đến khoảng 130.000 đồng/hộp nhưng Mead Johnson Việt Nam “bỏ” cho Tân Tiến hơn 207.000 đồng/hộp và “buộc” Tân Tiến bán cho người tiêu dùng hơn 286.000 đồng/hộp, cao gần 220% so với giá vốn (xem thêm các mã hàng khác ở bảng).

Chi phí quảng bá “đội” giá sữa

Kiểm tra ở Công ty TNHH Thông Thịnh (đơn vị phân phối sữa Dumex từ hàng nhập của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Nam, VNC) cho thấy chi phí hội thảo khách hàng, chi phí tập huấn tăng cao so với quy định của Bộ Tài chính. Khi kinh doanh mặt hàng sữa Dumex các loại, Công ty Thông Thịnh đã bán cho người tiêu dùng với giá được VNC ấn định và hưởng chiết khấu 12% trên doanh thu.

Theo đoàn kiểm tra, trong quý I/2009, chi phí vận chuyển lưu thông hàng hóa, chi phí tiền lương, chi phí thuê văn phòng... của đơn vị phân phối Thông Thịnh không tăng nhưng giá sáu loại sữa Dulac Gold có mức tăng từ 4,5-75%. Nguyên nhân chủ yếu được đoàn xác định là do VNC thay đổi… mẫu mã nhãn hàng.

Kết quả kiểm tra ở Mead Johnson Việt Nam cũng cho thấy, trong quý IV/2008, chi phí quảng cáo khuyến mại... chiếm hơn 56% trong tổng chi phí (trên 53,5/95 tỉ đồng). Trong quý I/2009, chi phí này chiếm gần 33% trong tổng chi phí (gần 29 tỉ đồng/gần 88 tỉ đồng).

Những nguyên nhân nêu trên đã “đẩy” giá sữa bán cho người tiêu dùng lên quá cao. Trong khi đó, theo đoàn kiểm tra, các doanh nghiệp bán lẻ sữa cho người tiêu dùng sẽ được hưởng chiết khấu hoa hồng trên tổng doanh thu nên chịu ảnh hưởng chi phối về giá bán lẻ sữa của các nhà phân phối.

Người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị “cắt cổ”

Khi biết được những thông tin này, bà Phan Thị Thu Hương (19/15 Ụ Ghe, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP HCM) buột miệng: “Chúng tôi bị các hãng sữa “đánh lừa” trong một thời gian dài”.

Bà Hương cho biết đã chọn loại sữa này cho hai đứa con bà trong giai đoạn chúng từ 1-3 tuổi. “Chọn Enfa A+ là vì tôi tin là nó chứa những dưỡng chất tốt cho sự phát triển của hai đứa con mình và gia đình tôi chấp nhận bỏ một số tiền tương xứng với chất lượng với loại sữa mà chúng tôi chọn”.

Nhưng bà Hương cũng “thú thật” là đã biết nhãn hiệu sữa đó, “tin vào chất lượng tốt” và chọn mua là dựa trên các thông tin quảng cáo. Thế nhưng, giá sữa đến tay người tiêu dùng quá cao như thế là sự bất hợp lý một cách quá đáng, mà các chương trình quảng cáo đã “hỗ trợ đắc lực” cho các công ty kinh doanh sữa làm giàu.

Bà Hương đề nghị, các cơ quan quản lý phải có chính sách, biện pháp cụ thể để “trả” giá sữa trên thị trường về giá trị thật của nó. Có như vậy mới bảo vệ được người tiêu dùng, bảo vệ được các hãng sữa nội địa và bảo vệ được cả những người chăn nuôi, tạo nguồn nhiên liệu cho việc sản xuất sữa.

Theo Nghị định 75/2008, sữa là mặt hàng nằm trong danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.

Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng quy định, nếu trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động sẽ bị áp dụng các biện pháp bình ổn giá và trên cơ sở đó có thể xử phạt hành chính và yêu cầu bồi thường cho người bị thiệt hại.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà nhập khẩu, phân phối sữa đã dễ dàng không để xảy ra tình trạng biến động giá sữa liên tục trong vòng 15 ngày và tăng 20% như quy định để rồi bị “tuýt còi”. Theo kết quả của đoàn kiểm tra, dù giá sữa cao ngất nhưng cũng phải ghi nhận là không có hiện tượng các doanh nghiệp lợi dụng biến động giá trên thị trường để găm hàng hay tăng giá bất hợp lý.

Ngoài ra, Nghị định 164/2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cho phép phạt cảnh cáo, phạt tiền, thu phần chênh lệch giá tăng bất hợp lý hoặc thậm chí đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nhưng tiếc là quy định này chỉ là… nguyên tắc và không có điều khoản cụ thể nào để lấy làm căn cứ xử phạt việc bán sữa với giá cao ngất ngưởng như trên.

Bảng giá đối chiếu nhãn hiệu sữa Enfa A+ các loại:

Mã hàng

Giá vốn hàng bán của Mead Johnson Việt Nam

Mead Johnson VN bán cho NPP

Mead Johnson VN đề nghị bán cho NTD

So với giá vốn

Enfa Grow A+ loại 900 gr

Gần 113.000

Hơn 200.000

Gần 277.000

Gần 245%

Enfa Mama A+ loại 400 gr

Gần 47.000

Gần 84.000

Hơn 115.000

Gần 245%

Enfa Pro A+ loại 400 gr

Hơn 63.000

Gần 102.000

Hơn 140.000

Hơn 222%

Enfa Pro A+ loại 900 gr

Hơn 130.000

Hơn 207.000

Gần 287.000

Gần 220%

Enfa Pro A+ loại 1,8 kg

Hơn 207.000

Hơn 365.000

Gần 505.000

Gần 245%

Enfa Kid A+ loại 900 kg

Hơn 107.000

Hơn 172.000

Hơn 237.000

220%

 

Theo VietNamNet
.
.
.