Vẫn phải dựa vào nhiệt điện than
- Chưa có nhà máy nhiệt điện nào phải ngưng hoạt động do thiếu than
- Chế tạo thành công nhiều thiết bị nhiệt điện trong nước
- Đầu tư nhà máy nhiệt điện 1,8 tỷ USD
Ngoài việc dự báo chính xác hơn nhu cầu điện cho tương lai để tính toán đầu tư cho phù hợp, các nhà khoa học còn cho rằng nên giảm bớt tỷ lệ nhiệt điện than (dự kiến chiếm hơn 60% tổng lượng điện đến 2030) bởi ô nhiễm môi trường và giá cả cũng không còn rẻ. Tuy nhiên, đâu sẽ là nguồn năng lượng thay thế nếu giảm điện than vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Khi tính toán xây dựng, Quy hoạch điện VII đã đặt ra 3 kịch bản phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải đáp ứng đủ năng lượng điện, trong đó kịch bản cơ sở được xây dựng theo hướng tăng trưởng giai đoạn 2015 – 2020 là 8,0% và lượng điện năng sản xuất phải đáp ứng 329,4 tỷ kWh vào năm 2020. Vào thời gian đó, nhiệt điện than sẽ chiếm khoảng 52% tổng công suất các nhà máy điện.
Để thực hiện được Quy hoạch điện VII, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011- 2020 cần bình quân 4,88 tỷ USD mỗi năm, nhưng tốc độ thực hiện bị chậm rất nhiều so với dự kiến. Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) nhận định: Do thiếu vốn và vốn đầu tư lại dàn trải, giải phóng mặt bằng chậm, nhà thầu năng lực kém, thiết bị phụ trợ không kịp dẫn đến chậm tiến độ xây dựng với cả nguồn và lưới điện, đồng thời việc không đồng bộ giữa nguồn và lưới đã dẫn tới có nơi thừa điện, có nơi vẫn thiếu điện.
Mặt khác, Quy hoạch điện VII cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như dự báo nhu cầu điện quá cao, dẫn đến khó khả thi vì đòi hỏi vốn quá lớn và xây dựng xong cũng sẽ thừa, gây lãng phí vốn và ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, nghiên cứu cũng cho rằng quy hoạch điện VII chưa chú ý và quan tâm đầy đủ tới phát triển bền vững, nặng về phát triển kinh tế, chưa chú trọng tới môi trường. Nghiên cứu của GreenID cho rằng cơ cấu nhiệt điện than đến 2030 là hơn 60% là quá cao.
Theo quy hoạch, nhu cầu than cho điện vào 2020 sẽ là 79 triệu tấn, nhanh chóng tăng lên 116 triệu tấn vào 2025 và 188,7 triệu tấn vào 2030. GreenID chỉ ra rằng lượng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính cũng tăng lên nhanh chóng, trong đó riêng phát thải từ nhiệt điện than chiếm 89% tổng phát thải từ năng lượng. Tính toán thiệt hại kinh tế của do biến đổi khí hậu gây ra bởi nhiệt điện do trung tâm này đưa ra là 1,2 tỷ USD vào 2011 và sẽ lên tới 9 tỷ USD vào năm 2030, chưa kể đến thiệt hại do mưa axít và các chi phí liên quan đến sức khoẻ do ảnh hưởng của bụi SO2 và Nox. Điều này dẫn đến cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm nhiệt điện than và tăng cơ hội cho các nguồn năng lượng sạch.
Phát biểu quan điểm về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Duệ, Hội Kinh tế Việt Nam, đồng tình cho rằng cơ cấu nhiệt điện than chiếm 60,3% đến 2030 là cao. “Xu thế hiện nay, vấn đề môi trường đang hết sức được quan tâm nên chủ trương giảm nhiệt điện than là cần. Nhưng về giá, giá than ngày càng tăng, than trong nước không đủ cung cấp, phải nhập khẩu, nên giá thành cho 1kWh nhiệt điện than lên đến 8-9 cent. Tuy nhiên, hạn chế than thì tăng nguồn điện gì là câu hỏi lớn. Một số người đề xuất tăng năng lượng tái tạo lên, nhưng tăng như thế nào là bài toán khó”.
Đồng tình với quan điểm nhiệt điện than gây ô nhiễm lớn nhất về không khí nhưng ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Nhiệt học Việt Nam, cho rằng sau thủy điện thì giá điện từ nhiệt điện than là thấp nhất, khoảng 7-7,5cent/kWh, trong khi nhiệt điện khí 13-14 cent/kWh. Do đó, “nếu không làm nhiệt điện than thì chúng ta lấy gì để cung cấp nhu cầu năng lượng điện cho xã hội và nhu cầu ấy ngày càng tăng? Đề xuất giảm nhiệt điện than là đúng, bởi nguồn than nhập khẩu khó, nhưng nếu đặt ra như một chủ trương là tiến tới tăng năng lượng khác thì cần phải xem lại”.
Ông Nghĩa cho rằng, thứ nhất tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng quốc gia rất ít; thứ hai, “phải xem giá năng lượng tái tạo bao nhiêu thì chấp nhận được, chứ không thể làm năng lượng tái tạo bằng mọi giá”. “Ví dụ điện gió vào khoảng trên 8 cent/kWh và yêu cầu được bù giá. Tuy nhiên, nước ta còn nghèo nếu mà phải bù giá thì không nên làm. Đức phát triển mạnh năng lượng gió bởi họ là nước giàu. Còn đối với nhiệt điện khí có giá thành đắt gấp đôi nhiệt điện than, có khí Phú Mỹ và Nhơn Trạch (Cà Mau), nhưng hiện không đủ khí để đốt và phải nhập khẩu. Như vậy, giá điện từ các nhà máy nhiệt điện khí còn cao gấp đôi nhiệt điện than. Nếu chúng ta muốn giảm phát thải bằng cách tăng nhiệt điện khí thì phải xem lại”.
Trên thực tế, câu chuyện nhiệt điện than đến nay cũng có thể thành “chuyện đã rồi”, bởi theo chia sẻ của TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng thì Viện Năng lượng được Bộ Công Thương giao hiệu chỉnh tổng sơ đồ điện VII và hiện đang trình các cơ quan, tiến tới trình Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch điều chỉnh, cơ cấu nhiệt điện than có giảm, nhưng đến 2030 vẫn là 60% (chỉ giảm khoảng 0,3%), bởi chúng ta đã cạn kiệt các nguồn năng lượng khác.
“Thủy điện lớn không còn, thủy điện nhỏ với năng lượng tái tạo 2030 là 5% của gần 500 tỷ kWh là cao rồi. Ngân hàng Thế giới có kiến nghị giảm nhiệt điện than, phục vụ chống phát thải CO2, nhưng nếu vậy phải tăng điện nguyên tử, tăng nhập khẩu và năng lượng tái tạo. Tăng năng lượng tái tạo rất khó, 600 MW điện gió cần đến 300 cột gió, mà vẫn ảnh hưởng môi trường” – TS Nguyễn Mạnh Hiến nói.