Vẫn nhiều rào cản chặn đường vốn đến doanh nghiệp

Thứ Năm, 31/07/2014, 08:57
Ngân hàng (NH) tắc tín dụng, vã mồ hôi tìm cách đẩy tiền vào nền kinh tế - doanh nghiệp (DN) khát vốn gõ cửa khắp nơi vẫn không vay được dẫn đến phá sản... là thực trạng chung đang diễn ra. NH đổ lỗi DN, DN lại kêu NH, trong khi dòng vốn vẫn ách tắc. Kết nối NH-DN để tìm một tiếng nói chung là giải pháp quan trọng để khơi thông nguồn vốn.

Không dễ vay

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện nhiều DN thừa nhận, thời gian qua, rất nhiều NH đã chủ động tìm đến mời chào DN. Lãi suất mời vay giảm mạnh ở mức 7- 8%/năm. Tuy nhiên, DN vẫn không dễ “sờ” được vốn NH do không đáp ứng được hàng loạt các tiêu chí vay vốn cũng như điều kiện tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi từ NH. “Có NH mời vay lãi suất 8%/năm nhưng yêu cầu không có nợ xấu. Điều này rất khó cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Hơn nữa, thời hạn cho vay lưu động quá ngắn, khoảng 4-6 tháng, làm sao DN quay vòng được”- một DN trên địa bàn Nam Từ Liêm phản ánh.

Cho rằng lãi suất vẫn còn cao và quá nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn, bà Trần Thị Biền, Công ty CP Phương Mai (Thái Nguyên) chia sẻ: “Hiện tại, các DN trên Thái Nguyên gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi sản xuất, khai thác khoáng sản, vận tải, du lịch, nhà ăn, khách sạn, nhà nghỉ… với khoảng 20 DN trên địa bàn, tất cả đều được các NH quan tâm cho vay hoạt động suốt gần 20 năm. Nhưng mấy năm vừa qua, chúng tôi đang gặp khó và mong muốn nguồn vốn sẽ có lãi suất thấp hơn, khoảng 6%/năm là tốt cho DN. Thứ hai, vốn vay lưu động cần có thời hạn ân hạn dài và cho vay dài hạn. Thứ ba, nếu vốn ưu đãi thì nên tín chấp nhiều hơn là thế chấp. Vì tất cả NH ở Thái Nguyên thiết tha mời chúng tôi vay vốn nhưng không cho vay tín chấp. Bên cạnh đó, nhiều DN được NH mời vay vốn nhưng thời hạn ngắn, lãi suất cao nên không muốn vay. Chúng tôi muốn tạo điều kiện vốn ưu đãi hơn”.

Tìm giải pháp tránh nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.

Rất chia sẻ với những khó khăn của đối tác, ông Phạm Việt Hải - đại diện Công ty Điện hóa Hà Sơn chia sẻ, bản thân NH cũng là một DN, họ phải đảm bảo việc kinh doanh có lãi và an toàn. “Tôi ví dụ, DN chúng tôi có đất Nhà nước giao sử dụng 50 năm. Nhưng khi đi vay vốn, NH cho rằng, đó chỉ là đất Nhà nước giao DN sử dụng chứ không phải đất của DN. Giá trị của tài sản thế chấp giảm xuống, theo đó hạn mức tín dụng của DN cũng sẽ ít đi. Bởi vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ DN, để NH cảm thấy an toàn hơn khi xét duyệt cho vay”- ông Hải nói.

Gỡ nút thắt

Từ phía NH, các giải pháp khác để tháo gỡ khó khăn cho DN khi tiếp cận vốn như điều chỉnh kỳ hạn nợ, cơ cấu lại nợ… cũng đã được NHNN và các NH thương mại triển khai tích cực. Với các DN có phương án kinh doanh khả thi nhưng dòng tiền không về, NH đã thực hiện cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ để DN tiếp tục được vay vốn ngân hàng thực hiện dự án. Ông Hoàng Việt Trung, PGĐ NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, dư nợ đến 30/6 của DN vừa và nhỏ tại Hà Nội là 288.000 tỷ đồng, khoảng hơn 40% tổng dư nợ cho vay của các loại hình kinh tế trên địa bàn - chứng tỏ sự quan tâm của NH với DN vừa và nhỏ. Trong đó, 19.000 tỷ đồng là nợ xấu, chiếm 6,6% tổng dư nợ. “Nếu ta giải phóng được 19.000 tỷ đồng này sẽ có thêm nguồn vốn để cho vay”, ông Trung nhận định.

Đại diện NHNN chi nhánh Hà Nội cũng cho biết thêm: Cho đến nay, đã có rất nhiều NH đăng ký dành nguồn vốn ưu đãi kết nối NH – DN, tổng số đăng ký đã lên tới 20.000 tỷ đồng, và đã ký hợp đồng, giải ngân 5.500 tỷ đồng, chỉ trong vòng vài tháng từ khi triển khai chương trình kết nối NH – DN - là sự nỗ lực lớn của ngành NH, các sở, ban, ngành và các hiệp hội. Bên cạnh các chương trình này, nhiều năm nay, thành phố cũng rất quan tâm tháo gỡ cho DN, liên tục năm nào cũng có hội nghị nghe DN báo cáo khó khăn để tháo gỡ, trong đó đáng chú ý là chương trình hỗ trợ lãi suất.

Bà Nguyễn Thị Mai Sương, GĐ NHNN chi nhánh Hà Nội cũng cho biết: Hiện nay, UBND TP Hà Nội, NHNN chi nhánh TP Hà Nội và các quận, huyện đang phối hợp triển khai chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn. Tính riêng trong tháng 6/2014, các NH đã giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng cho vay kết nối NH - DN với lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 9,5% - 10%/năm, cho vay ngắn hạn 6,5%- 7%/năm. Hệ thống NH vẫn tiếp tục giảm lãi suất với các DN có phương án kinh doanh khả thi. Lãi suất cho vay hiện chỉ cao hơn lãi suất huy động khoảng 2%/năm. “Trong 2%/năm này có 0,5% chi bảo hiểm tiền gửi, 0,5% cho dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro… nên NH lãi rất ít. Thậm chí, nhiều khoản vay, NH chấp nhận lỗ” - bà Sương nói.

Cơ quan quản lý cao nhất là NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cường khả năng cho vay không cần tài sản đảm bảo, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cơ cấu lại các khoản vay vốn có lãi suất cao trước đây... NHNN yêu cầu các NH cần chủ động tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu vay vốn để tư vấn, hỗ trợ về việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay NH. Đồng thời các NH cũng cần ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả và các lĩnh vực ưu tiên…

Lệ Thúy- Huyền Thanh
.
.
.