Vẫn khó huy động vàng trong dân
Giá vàng ổn định, giao dịch kém sôi động
Theo bảng giá niêm yết của các thương hiệu vàng lớn, giá kim loại quý ngày mở hàng không có nhiều biến động so với trước Tết. Cụ thể, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 35,28 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,36 triệu đồng/lượng (bán ra). So với lần cập nhật giá cuối cùng trước khi nghỉ Tết, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 20.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và không thay đổi ở chiều bán ra. Tương tự, giá bán vàng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng niêm yết ở mức 35,28-35,36 triệu đồng/lượng cho hai chiều mua bán. Đây cũng là mức giá mà Công ty Phú Quý tại Hà Nội báo giá vàng SJC sáng 5/2.
Việc các “nhà vàng” đồng loạt niêm yết ngang giá cho thấy một sự ổn định tương đối của kim loại quý vào ngày mở cửa. Đáng chú ý, khoảng cách giữa giá mua và bán vàng còn được các doanh nghiệp giữ ở mức tương đối thấp, phổ biến dưới 100.000 đồng/lượng.
Huy động nguồn vàng trong dân thành vốn phục vụ nền kinh tế là bài toán không dễ giải của NHNN. |
Cùng với việc giữ giá ổn định, ăn theo quan niệm truyền thống của nhiều người là mua vàng đầu năm mới lấy may, các nhà vàng đang tung ra nhiều sản phẩm mới và nhiều chiêu khuyến mãi để kích cầu. Từ ngày 21/1 đến 10/2, Công ty Vàng SJC thực hiện chương trình khuyến mãi “Phúc Lộc An Khang” dành cho khách mua nữ trang lẻ. Theo đó, khách mua nữ trang được giảm từ 3-10% tùy theo loại sản phẩm. Ngoài ra, khách hàng cũng được tặng ngay phong bao lì xì khi mua sản phẩm.
Tương tự, dịp xuân mới, Bảo Tín Minh Châu cũng đưa ra nhiều gói khuyến mãi cho bộ trang sức xuân và nhẫn cưới, đồng thời ra mắt sản phẩm nhẫn tròn trơn thế hệ 2, có mệnh giá từ 0,5 chỉ đến 10 chỉ để khách lựa chọn. “Hoành tráng” hơn, Tập đoàn DOJI tung sản phẩm vàng Kim Mã với hình tượng ngựa đang phi nước đại, là biểu tượng của năm Ngọ. Đặc biệt, từ ngày 20/1 đến 28/1 (tức ngày 20 đến 28 tháng Chạp) và 6/2 đến 10/2 (tức mùng 7 đến 11 tháng Giêng Âm lịch), DOJI và TPBank lì xì ngay cho khách 5.000đ/chỉ…
Hóc búa bài toán huy động vàng trong dân
Theo con số ước tính, tại Việt Nam, số lượng vàng vật chất nằm trong dân khoảng 400-500 tấn với giá trị giao động từ 16-18 tỷ USD, tương đương 16% GDP. Câu chuyện huy động vàng trong dân để biến thành tiền phục vụ nền kinh tế là vấn đề đã được kiến nghị nhiều lần và dư luận quan tâm từ lâu. Tại Hội nghị triển khai ngành Ngân hàng năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải sớm triển khai huy động nguồn vàng này.
Ngày 2/1/2014, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Chính phủ yêu cầu NHNN cần có các biện pháp huy động vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Song đến nay, NHNN vẫn lúng túng trong việc đưa ra lời giải cho bài toán này.
Đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN), ông Nguyễn Quang Huy cho rằng để thực hiện mua vàng từ trong dân đòi hỏi có nhiều giải pháp và có nhiều điều kiện nhất định như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp… Bên cạnh đó, một yếu tố được Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối coi là then chốt khiến việc NHNN mua vàng trong dân gặp trở ngại, là câu chuyện về giá. Hiện giờ với mức giá chênh lệch vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức tương đối cao, trên dưới 3 triệu đồng/lượng thì khả năng NHNN mua vàng vào là rất khó khả thi. Bởi vậy, ông Huy cho rằng với mức chênh lệch giá hiện nay, NHNN chưa thể mua vàng vào mà sẽ tiếp tục đấu thầu bán ra để bình ổn thị trường.
“Huy động vàng là vấn đề hóc búa, đòi hỏi nhiều giải pháp. Với phương án huy động truyền thống là vàng gửi lấy lãi, NHNN đánh giá đây không phải là giải pháp tốt, vì tạo ra hiện tượng vàng hóa và Nhà nước phải bỏ ra một chi phí lớn không cần thiết”, ông Huy nói