Vải thiều được chiếu xạ tại Hà Nội - Rộng đường xuất ngoại

Thứ Năm, 07/07/2016, 09:02
Cuối tháng 6 vừa qua, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã chính thức chiếu xạ lô vải thiều đầu tiên để xuất khẩu đi Úc. Thay vì phải đưa vải lặn lội vào tận TP Hồ Chí Minh để chiếu xạ, giờ đây từ vùng vải Bắc Giang, Hải Dương, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đưa vải về Hà Nội chiếu xạ và ra sân bay Nội Bài đi Úc.

Tiết kiệm chi phí 20 triệu đồng/tấn

Nếu như vụ vải năm 2015, để xuất khẩu vải thiều đi Mỹ và Úc, các doanh nghiệp phải thu mua vải ở Bắc Giang, Hải Dương, xong rồi đóng gói vào TP Hồ Chí Minh chiếu xạ, rồi từ đây mới vận chuyển ra nước ngoài tiêu thụ.

Cũng bởi vậy, mà vụ vải năm 2015, giá vải thiều Việt Nam tại Úc và Mỹ khá cao, khó cạnh tranh được với vải thiều của Thái Lan, Trung Quốc. Cụ thể, tổng giá thành vải Việt Nam cập cảng Mỹ là 8USD/kg, vải Trung Quốc chỉ có 2,5-3 USD/kg, dù vải Việt Nam được đánh giá chất lượng cao, ngon hơn nhưng lép vế về giá nên vẫn khiến lượng tiêu thụ rất chậm.

Tương tự, tại thị trường Úc, cả vụ vải năm 2015 đã xuất khoảng 32 tấn, với 9 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Giá vải bán tại thị trường này dao động từ 15-22 AUD/kg (tương đương 250.000-350.000 đồng/kg). Một trong những nguyên nhân được các doanh nghiệp chỉ ra là do phải vận chuyển vải vào tận TP Hồ Chí Minh để chiếu xạ, đẩy chi phí lên cao.

Do vậy, việc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội được công nhận, thực hiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu đi Úc đã góp phần giảm giá thành quả vải, tiết kiệm thời gian và công sức cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Đàm Quang Thắng, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều đi Úc cho hay, vào đầu mùa, công ty đã xuất khẩu mấy tấn vải thiều đi Úc nhưng đều phải vận chuyển vào tận TP Hồ Chí Minh để chiếu xạ, chi phí tốn kém hơn. Vải được chiếu xạ tại Hà Nội giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 20.000 đồng/kg. Chi phí này tương đương khoảng 20% giá thành quả vải xuất khẩu sang thị trường Úc (khoảng 100.000-110.000 đồng). Không phải vận chuyển vải vào TP Hồ Chí Minh cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 12 giờ vận chuyển, nhờ vậy, quả vải xuất khẩu cũng tươi hơn và tránh được hư hại do vận chuyển nhiều.

Ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết, năm nay là năm đầu tiên Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thực hiện việc chiếu xạ nên trung tâm cũng tính chi phí chiếu xạ thấp hơn, chỉ khoảng 6.000 đồng/kg. Chi phí này hiện thấp hơn so với chi phí chiếu xạ tại TP Hồ Chí Minh từ 4.000-5.000 đồng/kg. Trong khi đó, trung tâm hiện có công suất chiếu xạ khoảng 20-30 tấn vải tươi/ngày.

Vải thiều xuất đi Úc đã được chiếu xạ tại Hà Nội.

Bao giờ vải thiều đi Mỹ?

Một điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều mong muốn là sớm thúc đẩy với phía Mỹ để họ công nhận Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội được chiếu xạ vải thiều xuất khẩu vào nước này. Ông Đặng Quang Thiệu thông tin, theo quy định của Mỹ, trung tâm chiếu xạ tại Việt Nam buộc phải thuê một chuyên gia người Mỹ tới trung tâm để thực hiện việc kiểm dịch và giám sát chiếu xạ với mức lương là 320.000-340.000 USD/năm. “Chúng tôi có nhờ phía Mỹ tính toán cho trung tâm ở Hà Nội thì cũng phải chi 75.000 USD cho 2 tháng thuê chuyên gia. Với số tiền lớn như vậy chúng tôi rất khó khăn”, Giám đốc Trung tâm chiếu xạ Hà Nội bày tỏ.

Trong khi đó, ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, ngoài quy định về việc thuê chuyên gia, phía Mỹ còn có những yêu cầu về nguồn vải xuất khẩu cũng như nhà máy cung cấp thiết bị cho Trung tâm chiếu xạ… Do đó, để phía Mỹ công nhận cho Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội được chiếu xạ vải thiều xuất vào Mỹ không kịp tiến độ trong mùa vải 2016 này.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT thông tin thêm, tính đến cuối tháng 6-2016, cả nước xuất khẩu được khoảng 80.000 tấn vải thiều, trong đó chiếm đến 70.000 tấn được xuất khẩu qua Trung Quốc, còn lại xuất khẩu đi Úc được khoảng 3,5 tấn, đi Mỹ khoảng 3 tấn và một số quốc gia khác. Trong khi đó, để xuất khẩu được vài thiều đi Mỹ và Úc, chúng ta đã trải qua chặng đường gần 10 năm làm việc với cơ quan chức năng của hai nước.

Ông Hoàng Trung lý giải: “Úc, Mỹ là những thị trường cực kỳ khó tính, song, chúng ta vẫn quyết tâm mở cửa những thị trường này để giúp bà con nông dân bán được vải với giá cao hơn và tiếp cận với các quy trình sản xuất tiên tiến, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng được yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu”.

Ngọc Yến

.
.