Ứng dụng đề tài khoa học góp phần… làm nghèo đất nước

Thứ Ba, 20/08/2013, 14:43
Quá trình triển khai, cả cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài một phần thiếu trách nhiệm, một phần thiếu cái tâm trong sáng, để rồi kết cục tiền Nhà nước bị tiêu tốn, mục đích tốt đẹp, đúng đắn của đề tài (góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống người dân) chẳng đạt được. Người ta gọi đó là những kiểu góp phần làm… nghèo đất nước. Câu chuyện xảy ra tại Trà Vinh - một trong những tỉnh nghèo nhất nhì miền Tây Nam Bộ.

Bằng mọi giá để “moi” và phá tiền ngân sách

“Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” là tên của một trong 99 đề tài do Sở KHCN tỉnh Trà Vinh quản lý. Chủ nhiệm đề tài này là kỹ sư Nguyễn Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh. Tổng dự toán đề tài hơn 1,7 tỷ đồng, kinh phí đã cấp gần 1,2 tỷ đồng.

Thanh tra tỉnh Trà Vinh cho biết, quá trình triển khai thực hiện đề tài này, ngày 12/11/2009, Sở KHCN ký 2 hợp đồng với Viện Lúa ĐBSCL mua 6.000kg lúa cùng chủng loại, cùng số lượng nhưng giá trị 2 hợp đồng chênh lệch gần 67 triệu đồng. Việc mua phân bón, chế phẩm sinh học không đúng với đề cương. Ban chủ nhiệm đề tài mua 18.000 túi nhựa yếm khí, bao nilon với số tiền gần 130 triệu đồng rồi không sử dụng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Lúa giống được thử nghiệm lại không cùng chủng loại với đề tài đã đăng ký.

Trước hàng loạt sai phạm vừa kể, Thanh tra tỉnh đã đề nghị chỉ chấp nhận quyết toán cho đề tài này hơn 185 triệu đồng (15,5% tổng kinh phí đã cấp), chưa chấp nhận quyết toán trên 315 triệu đồng; riêng khoản chưa đủ điều kiện quyết toán gần 700 triệu đồng.

Đề tài “Chuyển giao công nghệ sấy bánh tráng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu” do ông Lê Việt Hùng, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và sau thu hoạch, làm chủ nhiệm; Sở Công nghiệp Trà Vinh chủ trì; có tổng kinh phí thực hiện là 312,612 triệu đồng tại DNTN Song Trà (huyện Trà Cú). Qua kiểm tra phát hiện DN kể trên không hề viết quy trình sản xuất máy sấy bánh tráng đúng theo đề cương được duyệt mà tự ý lập hợp đồng khống để chi 25 triệu đồng từ kinh phí thực hiện đề tài (trên 312 triệu đồng).

Nhiều đề tài nuôi bò tại Trà Vinh đã góp phần làm nghèo đất nước. Ảnh có tính chất minh họa

Đề tài “Nghiên cứu sự xuất hiện và quản lý khai thác hợp lý một số loài thủy sản có giá trị kinh tế ở vùng cửa sông ven biển tỉnh Trà Vinh” do PGS.TS Nguyễn Tác An chủ nhiệm; Viện Hải dương học chủ trì, với kinh phí hơn 500 triệu đồng. Chủ nhiệm đề tài đã lập hợp đồng khống (nội dung thuê xe môtô và ghe máy đi lấy mẫu) để được quyết toán trên 50 triệu đồng. Tương tự, hành vi lập khống chứng từ (thuê ghe đi khảo sát, đo đạt vùng biển) cũng bị phát hiện với số tiền hàng chục triệu đồng tại đề tài “Nghiên cứu đề xuất cơ sở khoa học và các giải pháp để ổn định bờ biển tỉnh Trà Vinh” do TS Hoàng Văn Huân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam làm chủ nhiệm với tổng kinh phí 370 triệu đồng.

Con bò mà biết nói năng…

Chúng tôi thật sự chú ý tới 2 đề tài nuôi bò đã thất bại, gây tốn nhiều tiền ngân sách.

Để thực hiện đề tài “Nuôi thử nghiệm bò sữa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh) với kinh phí được duyệt gần 638 triệu đồng, chủ nhiệm đề tài - bà Lê Tuyết Hồng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã ký hợp đồng không số với HTX Tân Trường (Bình Dương) mua 12 con bò sữa giá 316,8 triệu đồng. Thật chẳng ngờ, phi vụ mua bán này chẳng hề có hóa đơn, nơi bán bò cũng chẳng có biên bản đánh giá chất lượng bò; các chứng từ thanh toán không có phiếu đề nghị tạm ứng, không phiếu chi tiền, không xác nhận của cơ quan chủ trì – Sở NN&PTNT.

Sau khi mang bò về, chủ nhiệm đề tài không tổ chức kiểm tra cũng như lưu ý trách nhiệm của 6 hộ nuôi. Do khó khăn trong việc tiêu thụ sữa, đàn bò không được chăm sóc, phát triển kém. Việc xác định nguyên nhân đề tài không hoàn thành là do khách quan hay chủ quan cũng không được tiến hành. Và dù mục tiêu đề ra rất cỏn con (chỉ thu 10% giá trị đầu tư sau 3 năm triển khai) nhưng tới nay, đã 10 năm, cơ quan chủ trì lại có văn bản xin được miễn giảm thu hồi. Thanh tra tỉnh cho rằng lãnh đạo Sở NN&PTNT, nhất là chủ nhiệm đề tài đã thiếu trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo tài sản Nhà nước, gây lãng phí cho ngân sách, không làm tốt chức năng quản lý, tham mưu cho UBND tỉnh.

Với đề tài… bò còn lại – “Sử dụng một số giống bò cao sản để cải tiến năng suất bò lai Sind đang nuôi trên địa bàn tỉnh”, chủ nhiệm đề tài (ông Hồ Quang Đồ - ĐH Cần Thơ và ông Trương Hoàng Bá - cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh) ký HĐ mua 20 con bò cái lai Sind giá 209 triệu đồng không có hóa đơn lẫn biên bản kiểm tra chất lượng. Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh chọn 5 hộ nuôi, mỗi hộ 4 con, không có biên bản xét duyệt và cũng chẳng làm hợp đồng (HĐ). Đến cuối tháng 4/2007, Sở KHCN được báo cáo: Có 5 con bò bị chết 5, số còn lại đẻ 15 con bê.

Một thực tế khác lại được phát hiện. Vợ chồng một hộ dân ở xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành chung hộ khẩu bỗng được chủ nhiệm đề tài cho tách ra thành 2 hộ để nhận 8 con bò về nuôi. Trong khi đó, chủ hộ này nói chỉ nhận 4 con, 4 con còn lại do ông Bá gửi nuôi (?). Hai tháng sau đó, 3 con tại hộ dân này bị bệnh chết (không có biên bản xác nhận), số bò còn lại không sinh sản nên hộ dân này đã bán hết trong năm 2007. Hai con bò còn lại bị cho là chết được ghi nguyên nhân: “rít cắn” và “do sinh sản”. Có điều, khi xuống kiểm tra, chủ nhiệm đề tài thừa nhận chẳng hề thấy xác con bò. Hộ dân này cho biết từ khi nhận bò về nuôi, chỉ được 400 ngàn đồng để xây hố ủ…

Đề tài nuôi bò có kinh phí gần 700 triệu đồng này đã chết yểu nhưng việc khắc phục hậu quả đến nay vẫn cù nhầy.

Đoàn kiểm tra UBND tỉnh Trà Vinh (kiểm tra thực hiện Kết luận thanh tra số 04/KL-TTr ngày 7/6/2011 của Chánh Thanh tra tỉnh tại Sở KHCN tỉnh Trà Vinh) vừa có báo cáo, kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, gồm: Diệp Văn Sơn, Giám đốc Sở KHCN; Nguyễn Văn Truyền, nguyên Phó Giám đốc Sở KHCN (hiện là Bí thư Đảng ủy khối DN tỉnh Trà Vinh); Lê Tấn Lực, nguyên Giám đốc Sở Công Thương (hiện là Trưởng BQL khu kinh tế tỉnh) và Lê Văn Quang, nguyên Giám đốc Sở KHCN (hiện là Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy).

Báo cáo nêu rõ, với vai trò là Giám đốc Sở KHCN (từ tháng 6/2008 đến nay), ông Diệp Văn Sơn không tổ chức thực hiện đúng Thông tư liên tịch số 93/TTLT/BTC-BKHCN của Bộ Tài chính và Bộ KHCN; thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện đề tài, chưa kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xử lý 33 đề tài quá hạn với số tiền chưa quyết toán lên đến 4,3 tỷ đồng, trong đó sai phạm gần 1 tỷ đồng. Ông Sơn vừa là Giám đốc vừa là Trưởng BQL đề tài nhưng thiếu sâu sát trong việc phân công phân nhiệm cụ thể và quản lý cán bộ.

Binh Huyền
.
.
.