Túi nilon vẫn lấn lướt túi tự hủy

Thứ Sáu, 29/10/2010, 15:24
Tới nay, trong toàn quốc chỉ có khoảng 7% người dân là mang làn (giỏ) đi chợ, còn hầu hết đều cho rằng xài bao nilon vừa tiện dụng lại vừa được tiểu thương phát miễn phí thì tội gì mà không xài.

Tác hại nguy hiểm của túi nilon với môi trường sống của con người ai cũng biết, nhưng cũng bởi tính tiện dụng của nó trong khi chưa tìm ra loại bao bì nào khác thay thế nên chuyện chấm dứt "thải rác" nilon ra môi trường lâu nay vẫn chỉ dừng ở mức phát động phong trào.

Sau nhiều chương trình được đưa ra, thực hiện, sáng 28/10, Sở TN&MT phối hợp với Sở KHCN và các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM họp thông qua chương trình "Tháng sử dụng túi thân thiện môi trường" nhằm kêu gọi người dân tích cực tham gia chung tay bảo vệ môi trường bằng việc hạn chế sử dụng túi nilon thay thế bằng các loại túi tự hủy mà hiện có một số doanh nghiệp bắt đầu tham gia sản xuất và tung ra thị trường.

Đây cũng là chương trình thí điểm nhằm tiến tới triển khai chương trình giảm sử dụng túi nilon tại TP HCM, nằm trong Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050. Kế hoạch được áp dụng vào tháng 11 tại một số siêu thị, và trung tâm thương mại, các chợ lớn trong TP. Theo đó, trong các ngày thứ 5 của tháng 11 (ngày 4, 11, 18 và 25), các siêu thị và trung tâm thương mại sẽ không phát miễn phí bao nilon cho khách hàng và thay bằng các loại "túi tự hủy". Các cơ sở kinh doanh siêu thị cũng thực hiện tặng quà hoặc cộng điểm vào thẻ thành viên cho khách hàng tự đem theo túi mua hàng.

Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế - Sở TN&MT cho hay, khảo sát của Sở TN&MT, hằng năm riêng hệ thống Coop-Mart với 45 siêu thị đã sử dụng tới 10 tấn bao nilon/tháng. Hệ thống Big C nhiều gấp đôi: 20 tấn/tháng. Khi hỏi ý kiến của người dân thì 30% đề nghị cấm tuyệt đối việc dùng bao nilon xài 1 lần rồi bỏ, 60% cho rằng nên giảm dần rồi mới cấm hẳn, áp dụng như hình thức phải đội mũ bảo hiểm. Chỉ có 10% cho rằng không nên bỏ.

Cho tới nay, trong toàn quốc chỉ có khoảng 7% người dân là mang làn (giỏ) đi chợ, còn hầu hết đều cho rằng xài bao nilon vừa tiện dụng lại vừa được tiểu thương phát miễn phí thì tội gì mà không xài. Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng cho biết, nhiều năm nay "thất thu" với mặt hàng sản phẩm giỏ nhựa vì có sản xuất cũng ít người mua. Vì 53% người dân được hỏi cho rằng mang giỏ đi chợ có đẹp thật nhưng rất bất tiện.

Tiểu thương ở chợ vẫn chưa thể bỏ thói quen mua bao nilon với giá 1.800 đồng/kg để phục vụ khách hàng.

Trong sáng 28/10, các đơn vị tham gia đều rất ủng hộ chương trình phát động để nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc bảo vệ môi trường. Công ty TNHH Phúc Lê Gia cam kết ủng hộ 2 tấn túi tự hủy phát miễn phí cho người tiêu dùng; Công ty TNHH Bao bì Kim Nhật đồng ý ủng hộ 4 tấn túi tự hủy…

Tuy nhiên, theo các cơ sở tham gia, quan trọng là sau khi kết thúc tháng phát động, làm sao để túi tự hủy đến tay người tiêu dùng. Bà Đỗ Thị Minh Hằng- Phó Giám đốc Quản lý môi trường Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP nói: "Nguyên nhân đến nay hệ thống siêu thị vẫn còn phát túi nilon miễn phí cho người tiêu dùng là vì chưa thể đặt mua được túi tự hủy. Vì hiện mỗi DN áp dụng một công nghệ sản xuất khác nhau. Nhưng "chuẩn" để được công nhận loại bao bì đó tự hủy mà vẫn an toàn cho môi trường thì chưa có. Hiện các công ty tung các sản phẩm ra đều chỉ biết "tự cam kết" với cơ sở mua và người tiêu dùng".

Ông Lê Lộc - Giám đốc Công ty Phúc Lê Gia giải thích: "DN rất hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước tham gia sản xuất túi tự hủy nhưng lại không có quy chuẩn và đơn vị trọng tài đứng ra chứng nhận chất lượng cho sản phẩm của DN. Chúng tôi cũng rất cần một cơ quan đứng ra làm "chuẩn", một labor có khả năng kiểm nghiệm và có chức năng công bố sản phẩm của các DN đạt tiêu chuẩn an toàn".

Ông Lê Văn Khoa - Giám đốc Quỹ tái chế chất thải TP cho biết, vấn đề khúc mắc trên đã được đề nghị tới Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Tổng cục này đã có công văn gửi tới các nhà khoa học, phối hợp các GS, TS của các trường ĐH liên quan và cố gắng sẽ đưa ra soạn thảo Bộ quy chuẩn chứng nhận túi tự hủy sinh học (quy mô quốc gia) xác nhận loại bao bì tự huỷ đảm bảo an toàn cho môi trường. Nhưng không chắc chính xác là thời điểm nào mới có bản dự thảo trên

Huyền Nga
.
.
.