Võng xếp Duy Lợi, 15 năm một thương hiệu

Từ chiếc võng cho... sếp đến thương hiệu nổi tiếng

Thứ Tư, 18/06/2014, 11:46
Tọa lạc tại Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, cơ sở sản xuất của thương hiệu nổi tiếng về đồ gia dụng Duy Lợi dễ khiến khách ghé thăm bất ngờ. Bất ngờ bởi con số gần 100 công nhân trực tiếp tham gia sản xuất so với hàng vạn sản phẩm được đưa ra thị trường mỗi tháng cùng cả ngàn đại lý khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam quả thật rất nhỏ bé. Hình như đã quen với thái độ của khách lần đầu ghé cơ sở sản xuất, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi cười vui: “Hầu như ai đến đây cũng đều ngạc nhiên thế!”.

Thực ra, nếu chịu khó quan sát một chút, khách ghé thăm rất dễ có cảm giác... ngợp. Không phải vì quy mô của doanh nghiệp, mà vì những bằng khen, giấy chứng nhận đóng góp, thương hiệu và đặc biệt là các bằng sáng chế được cấp cho ông chủ doanh nghiệp. Phòng làm việc của giám đốc tuy nhỏ gọn nhưng tiện lợi và hiện đại. Đối diện bàn làm việc là màn hình lớn, quan sát hầu khắp các bộ phận làm việc trong công ty. Thêm một tiết lộ thú vị khác từ Giám đốc Lâm Tấn Lợi là công ty này không bao giờ... họp. Sau này, nhiều cán bộ, công nhân viên trong công ty cũng kể với chúng tôi rằng, từ ngày vào làm trong doanh nghiệp tư nhân Duy Lợi, chưa bao giờ họ mất thời gian để họp hành. Toàn bộ quỹ thời gian đều để phục vụ cho công việc chính khi họ được tuyển dụng vào. Nếu có yêu cầu gì, sếp sẽ trao đổi trực tiếp, rất ngắn gọn... Khai thác hiệu quả nhân lực, tránh bộ máy doanh nghiệp cồng kềnh là ấn tượng và bài học đầu tiên của bất cứ vị khách nào khi ghé thăm Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi.

Ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi trong một buổi làm việc thường ngày.

Nếu không tính các bằng công nhận độc quyền kiểu dáng sản phẩm thì đến nay đã có ít nhất 20 bằng sáng chế đã được cấp cho Giám đốc Lâm Tấn Lợi. Đây là một con số mơ ước với bất cứ ai làm công việc đòi hỏi nhiều sự sáng tạo. Tuy nhiên, chủ nhân của các bằng sáng chế này lại cho biết, sự học của ông mới chỉ dừng ở tấm bằng kỹ sư mà là kỹ sư cơ khí chế tạo máy, rất ít liên quan đến chế tạo đồ gia dụng - dòng sản phẩm mà doanh nghiệp Duy Lợi đang theo đuổi hiện nay. Cái duyên đến với nghề cũng rất tình cờ. Với chàng thanh niên Lâm Tấn Lợi ngày ấy, trường đào tạo Hàng hải mới là mục đích vươn tới. Giấc mộng không thành, ông chuyển hướng học cơ khí chế tạo máy.

Năm 1980, tốt nghiệp đại học, Lâm Tấn Lợi tòng quân theo tiếng gọi của Tổ quốc rồi chuyển qua sĩ quan dự bị. Chuyển ngành năm 1984, cạy cục nhờ người quen xin vào cơ quan nhà nước nhưng chỉ làm ít lâu ông lại bỏ. Tính sơ sơ, từ ngày chuyển ngành đến thời điểm tách ra làm riêng, ông đã "nhảy việc" qua 6 cơ quan nhà nước. Nhìn lại quãng thời gian này, ông chủ của thương hiệu võng xếp Duy Lợi chia sẻ rằng, gọi là nhảy việc cho vui, chứ thực ra là ông thấy mình không hợp với môi trường làm việc của công chức nhà nước, đồng lương lại eo hẹp quá. Cơ quan nhà nước thứ 6 mà ông vào làm việc là Công ty TBSG. Cái tên nghe rất oách nhưng vào những năm 1999, công ty này gặp rất nhiều khó khăn. Ông được tuyển dụng nhưng lại được phân công nhiệm vụ... tìm việc cho công ty. Tổng thu nhập của ông khi ấy có 700.000 đồng, trong khi "nhiệm vụ" vợ giao đóng tiền học cho con đã lên đến 900.000 đồng/tháng.

Nhớ đến chiếc võng ông thiết kế cho sếp và cho cha dùng cách đó mấy năm, ông mạnh dạn đề nghị công ty cho sản xuất thử, bán ra ngoài thị trường. Nhân viên Lâm Tấn Lợi trở thành đối tác của công ty. Loạt đầu, 100 chiếc võng thành phẩm đã sẵn sàng trong kho thì khổ chủ nhận thông báo: vướng thủ tục, không thể làm quyết toán. Giám đốc công ty chọn giải pháp để lại số võng cho người đưa sáng kiến kiêm sản xuất Lâm Tấn Lợi tùy ý xử lý. Thông tin về số võng nói trên được đăng tải quảng cáo trên báo. Đúng ngày 6/1/2000, doanh nghiệp tư nhân võng xếp Duy Lợi (nay là Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi) có quyết định thành lập, võng được lấy ra khỏi kho. Điện thoại gọi đặt hàng ào ào, anh mạnh dạn thuê thêm đất, mở rộng xưởng sản xuất.

Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi với cơ sở vật chất khang trang tại Khu công nghiệp Tân Tạo, Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.

Nhớ lại ngày mới "chân ướt chân ráo" bước ra thương trường, Giám đốc Lâm Tấn Lợi nửa đùa nửa thật bảo rằng, các cụ nói "Có phước làm quan, có gan làm giàu" cấm có sai. Ông  không có phước "làm quan" nhưng "có gan làm giàu". Gan nhưng không phải làm liều mà tính toán rất thận trọng và lấy lợi ích của người tiêu dùng làm thước đo. Còn nhớ, mẫu võng đầu tiên tuy bán chạy nhưng khá cồng kềnh. Mỗi lần chở sản phẩm đến cho khách hàng, những người được thuê, chủ yếu là cánh xe ôm, phải mang theo cả cà lê, tuốc-nơ-vít để lắp ráp. Thấy sản phẩm có kết cấu lẫn tiện ích chưa thực sự như mong muốn, ông mày mò cải tiến. Sau vài chục lần, chiếc võng xếp mới gọn, xinh xắn và dễ dàng sử dụng như hiện nay.

Từ thành công của võng xếp, Duy Lợi mở rộng sản xuất sản phẩm gia dụng: ghế, giường xếp, giá phơi đồ xếp, giá phơi khăn xếp. Ông giải thích, các sản phẩm của Duy Lợi đều gắn với "xếp" vì trước khi thiết kế mỗi sản phẩm mới, ông đều tính toán tới không gian sống của các gia đình ở phố thị. Các khu chung cư, ban công thường được tận dụng làm nơi phơi đồ có diện tích khá hẹp. Chiếc giá phơi đồ chiếm hầu hết diện tích nếu sau khi sử dụng không được xếp lại cho gọn gàng. Căn phòng tắm của các căn hộ cũng tương tự. Chiếc giá phơi khăn dù tiện lợi nhưng cũng có lúc gây bất tiện khi chiếm mất một phần diện tích vốn đã khiêm tốn của phòng tắm. Ý tưởng về giá phơi khăn xếp vụt lóe sáng trong một lần lái xe thăm cha nằm viện. Về nhà, chưa kịp nghỉ ngơi là ông bật máy, thiết kế mẫu. Giá phơi khăn xếp ra đời. Người dùng chỉ cần mấy giây là có thể xếp lại giá khăn rất gọn gàng sau khi sử dụng, trả lại không gian cho phòng tắm. Mẫu giá phơi khăn này, Duy Lợi mới sản xuất, thuộc sản phẩm được nhiều người yêu thích. Hiện tại, ông cũng đã làm hồ sơ đề nghị cấp bằng sáng chế.

Thực tế, chỉ riêng với những tấm bằng sáng chế của Giám đốc Lâm Tấn Lợi đã là cả một câu chuyện dài. Còn nhớ, vào khoảng năm 2001, một người bạn của ông tình cờ phát hiện mẫu võng xếp của ông đã bị một doanh nghiệp Đài Loan đăng ký sáng chế mãi tận nước Mỹ. Xưa nay, làm ra sản phẩm, ông chỉ quan tâm đăng ký độc quyền kiểu dáng. Nếu doanh nghiệp kia được cấp bằng sáng chế là đồng nghĩa với việc Duy Lợi sẽ không được phép sản xuất tiếp trong điều kiện đất nước hội nhập, đặc biệt là cánh cửa xuất khẩu sang nước ngoài, cụ thể là Mỹ, sẽ bị đóng kín. Không để bị chất xám bỏ ra bị tước đoạt trắng trợn, ông liên hệ với văn phòng luật sư, làm thủ tục yêu cầu cơ quan sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) hủy bỏ bằng sáng chế đã cấp cho doanh nghiệp nọ. Tiền bạc, công sức và cả quỹ thời gian đầu tư cho vụ việc không nhỏ, nhưng bằng quyết tâm và sự hỗ trợ hết mình của văn phòng luật, năm 2005, USPTO đã có văn bản hủy bỏ văn bằng bảo hộ sáng chế của doanh nhân người Đài Loan.

Tương tự, một vụ kiện xâm phạm bằng sáng chế võng xếp tại Nhật Bản được Duy Lợi thực hiện thành công năm 2003, giúp thương hiệu võng xếp Duy Lợi "khai thông" tại thị trường Nhật Bản khiến báo giới xôn xao một thời. Chia sẻ về những hành trình gian nan đòi công lý ngày nào, Giám đốc Lâm Tấn Lợi chỉ kết luận rất ngắn gọn rằng: Tất cả những gì ông làm không phải chỉ vì riêng bản thân hay thương hiệu của riêng Duy Lợi, ông kiện là còn vì cộng đồng. Tuy nhiên, câu chuyện về hoạt động vì cộng đồng này của giám đốc kiêm người sáng lập Duy Lợi, chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết tiếp theo

PV
.
.
.