Trứng gia cầm cũng bị quy định “đánh đố”

Thứ Tư, 22/08/2012, 08:19
Sẽ có 72/77 (90%) cơ sở kinh doanh trứng gia cầm trên địa bàn TP HCM phải đóng cửa vì không đáp ứng được các quy định khắt khe tại Thông tư 34 quy định ATTP đối với các cơ sở thu gom, kinh doanh trứng gia cầm.

Thông tư 33 của Bộ NN&PTNT quy định về thời gian cũng như hàng loạt các biện pháp đảm bảo ATVSTP trong quá trình giết mổ, vận chuyển và bán thịt lợn vấp phải luồng dư luận lo ngại về tính khả thi, mới đây, Bộ NN&PTNT lại có thêm Thông tư 34 quy định ATTP đối với các cơ sở thu gom, kinh doanh trứng gia cầm. Điều đáng nói là nếu theo các tiêu chí trong Thông tư này, gần như 100% các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm trên cả nước sẽ phải đóng cửa vì không đủ điều kiện.

Trứng gia cầm cũng bị áp những quy định “trên trời”.

Thông tư 34 quy định về điều kiện vệ sinh, đảm bảo ATTP đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm, các cơ sở thu gom và bảo quản trứng thương phẩm bắt buộc phải có khu bảo quản trứng gồm kho bảo quản, khu xử lý nước thải, ngoài ra, còn phải có khu làm sạch và khử trùng bằng hoá chất, khí ozôn và tia tử ngoại.

Thậm chí, Thông tư còn quy định chi tiết về phương pháp làm sạch trứng như làm sạch, khử trùng phải đảm bảo không làm ô nhiễm bên trong trứng từ vỏ trứng và hoá chất làm sạch, khử trùng. Việc khử trùng trứng phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan thú y về nồng độ, liều lượng và thời gian tiếp xúc của hoá chất, khí hoặc tia chiếu dùng khử trùng trứng. Trứng phải được làm khô sau khi được làm sạch và khử trùng.

Bên cạnh đó, việc bao bì đóng gói, dán nhãn mác của trứng cũng được quy định khá ngặt nghèo. Như phòng đóng gói trứng phải đảm bảo sạch sẽ và không có côn trùng; sản phẩm sau khi được đóng gói phải được đưa ngay vào kho bảo quản. Còn đối với các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm, Thông tư 34 cũng quy định, trứng gia cầm phải được làm sạch và khử trùng trước khi đóng gói và nhãn mác theo quy định trước khi bày bán…

Nếu đối chiếu với các quy định của Thông tư trên, dễ dàng nhận thấy, hầu như tất cả các cơ sở đang kinh danh trứng gia cầm trên cả nước đều không đáp ứng được các tiêu chí này. Ngay tại các chợ nhỏ lẻ, không có một chợ nào có bán trứng gà sạch theo đúng nghĩa được đóng gói, kiểm dịch và xử lý theo đúng Thông tư trên.

TP Hồ Chí Minh, địa phương đầu tiên tổ chức họp giữa Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh với 77 cơ sở kinh doanh trứng gia cầm trên địa bàn TP ngày 20/8 vừa qua để triển khai Thông tư này, sẽ có 72/77 (90%) cơ sở phải đóng cửa vì không đáp ứng được các quy định khắt khe trên. Còn ở Hà Nội, trừ các doanh nghiệp lớn, hầu hết các cơ sở nhỏ lẻ cũng đều trong tình trạng phải đóng cửa nếu áp dụng theo Thông tư 34.

Chiều 21/8, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, Thông tư 33 quy định về các điều kiện kinh doanh thịt lợn đã và đang trình sửa đổi, bổ sung để chặt chẽ hơn. Theo ông Tần, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đã phê bình các cơ quan soạn thảo trong thời gian vừa rồi chưa chặt chẽ, cách lấy ý kiến của các địa phương, bộ, ngành.

Trước ý kiến, chỉ còn 10 ngày nữa là Thông tư 33 có hiệu lực, liệu công tác chỉnh sửa có kịp hoàn thành, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, Thông tư sẽ được điều chỉnh, bổ sung thậm chí gia hạn thi hành nếu không kịp.

Giá trứng gia cầm giảm, người nuôi hoang mang

Hiện nay, giá trứng thương phẩm xuống thấp nên nhiều trang trại phải giảm đàn, thu hẹp diện tích chăn nuôi hoặc nuôi cầm chừng chờ đợi giá tăng trở lại. Tuy nhiên, mới đây thông tin sẽ cho nhập khẩu 500.000 trứng gia cầm của Bộ Công Thương đã khiến người chăn nuôi trong nước hết sức lo lắng…

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), mấy tháng trở lại đây, trứng gia cầm các loại đã giảm giá liên tục đến 47% - 48%, người chăn nuôi lỗ khoảng 500 đồng/quả. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 4,1 tỉ quả trứng gia cầm được sản xuất (tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2011).

Trứng gia cầm rớt giá liên tục khiến nông dân ngán ngẩm. Nhiều trại chăn nuôi cầm cự không nổi đã phải thu hẹp chuồng trại, thậm chí nhiều trang trại đang lên kế hoạch xóa chuồng. Hiện nay trứng gà chỉ dao động ở mức 1.200 đồng/quả. Người nông dân đang mong mỏi giá chỉ cần tăng 50 đồng - 100 đồng là các chủ trại có lãi. Tuy nhiên, giá trứng cứ lên 1 ngày thì lại hạ xuống trong mấy ngày liên tiếp. Với giá cám hiện nay là 9.700 đồng/kg dùng làm thức ăn cho gia cầm, trong khi giá trứng trên thị trường 1.200 đồng/quả thì tính ra chủ trại đang lỗ khoảng 30 đồng/quả trứng.

Mặc dù lượng trứng gia cầm trong nước hiện đang đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhưng kế hoạch nhập khẩu khoảng 500.000 quả trứng vào thị trường trong nước của Bộ Công thương đã khiến cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân hết sức lo lắng. Ông Nguyễn Đình Lộc, đại diện Công ty trứng CP cho biết: Trung bình 1 ngày lượng tiêu thụ trứng của toàn hệ thống CP là 2 triệu quả. Vì vậy, việc nhập khẩu 500.000 quả trứng sẽ không có tác động gì đến nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, đáng lo ngại là trước thông tin nhập khẩu 500.000 quả trứng gia cầm sẽ tác động đến việc sụt giảm giá trứng trong nước. Hiện, lượng cung trong nước dồi dào nhưng lượng cầu thì giảm hơn so với những năm trước. Từ đầu năm đến nay, giá trứng giảm gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách điều hành kinh tế của Nhà nước thì phải thực hiện, song nếu cơ quan chức năng không tính toán kỹ sẽ dẫn đến tình trạng giá sản phẩm sẽ giảm sâu hơn nữa, gây khó khăn cho người chăn nuôi.

K.Ngân - T.Ngà

Chi Linh
.
.
.