Trong trà sữa trân châu có sử dụng polymer?

Thứ Tư, 12/08/2009, 11:49
Trên một tờ báo điện tử đưa tin, trên mạng Renminwang (Trung Quốc) mới đây đăng tải, để làm ra những viên trân châu, nguyên liệu quan trọng nhất trong việc chế biến món trà sữa trân châu, người ta cho thêm polymer vào để làm tăng độ dẻo, giòn. Thông tin này lập tức gây sự chú ý đối với người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt với các phụ huynh và các "đệ tử" của món trà thơm phức mùi sữa và những viên trân châu giòn dai.

Trà sữa trân châu xuất hiện cách đây khoảng 5-6 năm ở Hà Nội và đã gây ra cơn sốt trong giới trẻ. Những quán trà sữa trân châu xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến phố lớn, quanh các trường học.

Có thời điểm, nam thanh, nữ tú xếp hàng trên đường Đinh Tiên Hoàng để chờ đến lượt mua trà sữa trân châu. Mua được rồi, họ cùng nhau ngồi trên yên xe máy, tay cầm cốc nhựa có cắm ống hút loại to (cho vừa với hạt trân châu) để thưởng thức món đồ uống hấp dẫn về mùi vị lẫn độ giòn dai. Hiện nay, dù đã xuất hiện nhiều loại đồ uống mới cũng tiện lợi không kém nhưng học sinh, sinh viên vẫn rất ưa thích loại đồ uống này.

Dư luận đang quan tâm đến nguyên liệu chế biến những hạt trân châu này.

Sức hấp dẫn của món đồ uống này là gì? Cháu Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 8, Trường THCS Việt An cho biết, trước hết đó là tính tiện lợi. Loại trà này thường được đựng trong cốc nhựa sử dụng một lần, lại được bịt kín bằng ni lông nên vận chuyển không bị sánh ra.

Thứ hai là sự đa dạng về mùi vị: Mùi nho, dâu, cam, táo, chocolate, bạc hà... Chỉ cần điểm sơ sơ, Linh đã chỉ ra quanh trường của cô bé có 7 quán bán thứ đồ uống này. Tìm hiểu, tôi biết giá một cốc trà sữa dao động từ 8.000đ - 10.000đ/cốc. Nếu so với các quán cũng bán loại trà này trên các phố lớn, thì rẻ hơn 3.000đ - 5.000đ/cốc.

Để biết về sức tiêu thụ loại trà này hiện nay, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại quán trà trên bên Bờ Hồ và nhận thấy vẫn thường xuyên có khách tạt vào. Tìm kiếm thông tin này trên mạng, chúng tôi thấy có nơi quảng cáo bán trà sữa trân châu có sử dụng loại trân châu đã đạt chất lượng ISO. Còn khi đi tìm hiểu về việc bán nguyên liệu pha chế trà sữa tại phố Hàng Buồm, Cao Thắng thì người bán có vẻ dè dặt.

Sử dụng polymer trong chế biến thực phẩm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? Tiến sỹ Trần Vĩnh Diệu, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polymer, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, phải có mẫu phân tích cụ thể, ông mới biết trong loại trân châu được khẳng định sử dụng polymer đã sử dụng loại polymer nào.

Trên thực tế, có cả loại polymer tan trong nước với điều kiện đun sôi và không độc hại. Có những loại polymer còn được sử dụng để làm kem với mục đích tăng độ dẻo, giòn. Người ta còn sử dụng màng polymer để bọc trái cây mà mắt thường không nhìn thấy và ăn vào thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong nước rửa bát cũng có sử dụng polymer để tạo độ kết dính.

"Vấn đề quan trọng là xác định xem có sử dụng polymer không và sử dụng loại polymer nào, tỷ lệ bao nhiêu. Còn nếu sử dụng loại polymer thông thường trong chế biến thực phẩm sẽ tạo ra cảm giác chướng bụng, nhiều khi đóng cục trong bụng. Nếu như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe", Tiến sỹ Diệu cho biết.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra, Sở Y tế Hà Nội cho biết, thông tin trên chỉ xuất hiện ở Trung Quốc, người tiêu dùng Việt Nam không nên hoang mang. Hiện nay, Sở Y tế đã cho người đi lấy mẫu để làm xét nghiệm, hết tuần này mới có kết quả. Khi có kết quả, cơ quan này sẽ công bố để người dân biết, tránh gây tình trạng hoài nghi, hoang mang.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được mọi người quan tâm, vì thế mặc dù thông tin trên xuất hiện ở quốc gia láng giềng cũng khiến người tiêu dùng lo ngại. Việc cơ quan y tế lấy mẫu kiểm tra và công bố kết quả là cần thiết trong lúc này

Cao Hồng
.
.
.