Trốn thuế và những hệ lụy
- Chống chuyển giá trốn thuế - lành mạnh môi trường đầu tư kinh doanh
- Sẽ bãi bỏ các ưu đãi thuế bị lợi dụng để gian lận, trốn thuế
Bài 1: Thu ngân sách giảm vì vấn nạn trốn thuế
Khi xe ôm, cửu vạn làm giám đốc
Trong rất nhiều chiêu trò trốn thuế sử dụng, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) lòng vòng bằng cách thành lập các DN “ma” là một trong những thủ đoạn phổ biến và cũng đứng “đầu bảng” về mức độ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội cho biết, trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm kinh tế vẫn diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất và hậu quả thiệt hại, gây thất thu cho ngân sách, xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế. Lợi dụng nhu cầu của các cơ quan, DN, tổ chức xã hội và cá nhân có nhu cầu sử dụng hóa đơn GTGT để thanh quyết toán, các đối tượng đã dùng thủ đoạn để “rút ruột” NSNN. Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là lập khống chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ, lập khống hồ sơ hoàn thuế để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế, lập khống chứng từ để hợp thức hóa hàng hóa nhập lậu hay làm tài sản đảm bảo vay vốn ngân hàng. Đặc biệt, tội phạm lợi dụng sự thông thoáng trong việc thành lập công ty, và sơ hở của chính sách để thành lập DN “ma” mua bán trái phép hóa đơn GTGT.
Thành lập công ty “ma”, mua bán hóa đơn lòng vòng là chiêu trốn thuế phổ biến. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Có nhiều vụ mua bán hóa đơn GTGT lớn được điểm danh như vụ án thuê xe ôm làm giám đốc chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng xảy ra tại tỉnh Kiên Giang vào năm 2013. Trong vụ án này, Trần Hữu Thọ (47 tuổi, tại Kiên Giang) sau khi thành lập DN tư nhân đã cùng vợ, con gái, con rể rủ rê cả xe ôm, cửu vạn cùng đứng tên một loạt DN “ma” (không hoạt động, không trụ sở...) chủ yếu là xuất hóa đơn khống. Không dừng lại trong nước, Thọ sang Campuchia tìm thêm 4 bạn đều là xe ôm, cửu vạn. Thọ sử dụng các hóa đơn khống để xuất cho các đối tượng trên ở Campuchia để lập hồ sơ hoàn thuế xuất khẩu, chiếm đoạt tiền nhà nước gần 110 tỷ đồng. Với đường dây này, Thọ đã lôi được hàng loạt DN tại khu vực biên giới hoàn thuế xuất khẩu sang Campuchia hết sức bất thường. Điều đáng nói là việc truy tìm các đối tượng này hết sức khó khăn do phần lớn đối tượng đứng tên DN, công ty trên đều là dân chạy xe ôm, cửu vạn.
Hiện nay, theo quy định, để được khấu trừ thuế GTGT từ 20 triệu đồng trở lên, DN phải thanh toán qua ngân hàng, nhưng các đối tượng vẫn qua mặt được các cơ quan chức năng. Mới đây nhất, tại Hà Nội đã phát hiện vụ Nguyễn Trường cùng đồng bọn thành lập 16 công ty, đăng ký tại các chi cục quận, huyện, in gần 2.000 quyển hóa đơn GTGT. 16 công ty này đều là công ty “ma”, có những vị giám đốc vốn là người chạy xe ôm ngoài đường, được thuê với giá 1-2 triệu đồng/tháng để đứng tên, làm “phương tiện” cho Trường và đồng bọn phạm tội.
Có 2.995 DN trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tiến hành mua hóa đơn GTGT khống. Trong đó, số tiền đi qua ngân hàng lên đến 5.432 tỷ đồng. Đáng chú ý, không phải chỉ các DN tư nhân, cá nhân mà ngay cả các đơn vị, cơ quan nhà nước thuộc một số đơn vị hành chính, cơ quan bộ, ngành cũng đã tham gia mua các hóa đơn này. Vụ án hiện đang ở giai đoạn điều tra, mở rộng với nhiều nhóm tội khác nhau.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội, hiện bọn tội phạm đã lợi dụng thành lập DN “ma” để mua bán hóa đơn bất hợp pháp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tập trung ở khu vực “Chợ Giời”, quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… Thậm chí, các đối tượng không bỏ trốn như trước mà làm thủ tục tạm dừng hoạt động, sau một thời gian khoảng 2-3 năm mới làm thủ tục giải thể, đóng mã số thuế.
Điển hình, bằng nguồn thông tin, tài liệu do Cục Thuế TP Hà Nội chuyển sang, sau khi điều tra, xác minh, Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP Hà Nội đã khám phá vụ Lê Văn La và Nguyễn Thị Dậu – nhân viên phòng kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty Mỏ Việt Bắc thành lập 4 DN “ma” để mua bán hóa đơn trái phép, hợp thức hóa hàng nhập lậu, nâng khống giá trị trên 140 tỷ đồng để rút tiền ngân sách. Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng…
“Dàn hàng ngang” trốn thuế
Không phải chỉ trốn thuế trong nội địa, tình trạng trốn thuế xuất nhập khẩu (XNK), DN FDI trốn thuế cũng là vấn nạn làm thủng túi ngân sách. Lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu sân bay Nội Bài, Nguyễn Mạnh Tuấn (Hà Nội) đã chuyển 200 tỷ tiền hàng hóa điện tử lên Chi Ma. Dù Tuấn khai số tiền này nhận từ 1 công ty ở Hồng Kông, chuyển sang một công ty ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Tuy nhiên, qua thông tin của Interpol, đã xác định công ty ở Hồng Kông không có liên hệ gì với Tuấn, còn ở Bắc Kinh thì không có công ty nào có tên như Tuấn khai. Vì thế, đã xác định đây là một công ty mua bán trái phép hóa đơn, vận chuyển 200 tỷ để nhập lậu.
Riêng về câu chuyện chuyển giá trốn thuế, “bài” của các DN là dù liên tục báo lỗ trong nhiều năm, nhưng DN vẫn không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Metro là 1 ví dụ. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, DN này năm nào cũng báo lỗ, nhưng vẫn liên tục mở rộng kinh doanh trên nhiều khu đất vàng trên cả nước. Khi tiến hành thanh tra, cơ quan thuế phát hiện ra rất nhiều sai phạm, và đề nghị truy thu thuế với số tiền lên tới 507 tỷ đồng. Song, Metro không phải là công ty đầu tiên bị “vạch mặt” chuyển giá trốn thuế.
Trước đó, hàng trăm DN được đưa vào tầm ngắm của cơ quan thuế với những cái tên đình đám như Coca-Cola, PepsiCo, Adidas, Big C, Keangnam Vina… và cũng không ít DN đã bị truy thu thuế như Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina. Sau 5 năm vào Việt Nam và liên tục báo lỗ, đại gia bất động sản Hàn Quốc, chủ đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam – Keangnam Vina đã buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Toàn bộ số lỗ mà Công ty này khai báo phát sinh từ 2007-2011 đã được điều chỉnh giảm hết, số thuế thu nhập DN bị truy thu lên tới 95,2 tỷ đồng.
Hay một kỷ lục chuyển giá tai tiếng không kém, đó là Công ty Hualon Corporation, 100% vốn từ Malaysia, Đài Loan-British Virgin Island, hiện đang hoạt động tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Nhơn Trạch, Đồng Nai) chuyên về sản xuất sợi và dệt vải. Vào Việt Nam từ năm 1993, liên tục gần 20 năm, Hualon đều báo lỗ. Tính đến cuối năm 2010, công ty này đã lỗ lũy kế tới hơn 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân gây lỗ được công ty này kê khai tới cơ quan thuế chủ yếu ở việc phải đầu tư dây chuyền thiết bị chuyên dụng giá đắt, mua nguyên vật liệu đầu cao, trong khi giá bán không đủ bù đắp chi phí. Có những phi vụ nâng khống đầu vào thiết bị, Hualon đã qua mặt ngành thuế để báo số lỗ lũy kế "ảo" lên tới 956,2 tỷ đồng…
Cục Thuế TP Hà Nội cho biết: 6 tháng đầu năm, ngành thuế Hà Nội đã hoàn thành 2.792 cuộc thanh tra, kiểm tra với số thuế truy thu, truy hoàn và phạt 924,8 tỷ đồng; giảm lỗ 384,5 tỷ đồng; giảm, khấu trừ 64,5 tỷ đồng. Đặc biệt, đơn vị này đã chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an điều tra, xác minh sai phạm về thuế 86 vụ liên quan đến 86 DN có dấu hiệu phát hành hóa đơn trái phép; chủ động phối hợp điều tra, chuyển thông tin, hồ sơ sang cơ quan Công an tiếp tục điều tra, khởi tố 5 vụ liên quan tới hành vi mua bán trái phép hóa đơn. |