Trộm cước viễn thông qua đường Internet

Thứ Ba, 21/03/2006, 07:59

Những kẻ trộm cước thời nay có chút vốn liếng kiến thức đặc biệt trong lĩnh vực tin học viễn thông, có một chút ít tiền vốn, ăn mặc là lượt chải chuốt, thậm chí còn nấp dưới danh nghĩa giám đốc của một doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn nào đó.

Một chuyên gia về lĩnh vực này cho biết: Từ năm 1999 đến nay, các hình thức trộm cắp này đã được thực hiện bài bản và tinh vi gấp bội lần. Hình thức các đối tượng sử dụng ngày càng đa dạng, thông qua nhiều loại hình dịch vụ như kênh thuê quốc tế, lắp đặt trạm vệ tinh mặt đất cỡ nhỏ VSAT, sử dụng máy thuê bao kéo dài, điện thoại di động...

Đặc biệt một vài năm trở lại đây, khi xuất hiện dịch vụ Internet băng rộng ADSL giá rẻ (dịch vụ này lại không có khả năng kiểm soát, ngăn chặn từ đầu thông qua việc kiểm tra hồ sơ đăng ký dịch vụ của khách hàng), bọn chúng đã lợi dụng để tiến hành trộm cước.

Đặc điểm chung của loại tội phạm này là hoạt động rất tinh vi và khó phát hiện. Để thực hiện trộm cước qua đường truyền Internet ADSL, bọn chúng thường đứng ra lập một công ty, mở văn phòng, sau đó xin phép kéo đường truyền Internet tốc độ cao về để hoạt động.

Các thiết bị dùng để trộm cước viễn thông.

Điển hình là vụ việc do các đối tượng Hồ Đức Tùng và Đỗ Thị Thu Hương cầm đầu bị Công an Quảng Ninh phát hiện tháng 9/2005. Việc phát hiện ra vụ án này cũng được bắt đầu từ những thắc mắc của khách hàng là khi người thân của họ gọi điện từ nước ngoài về nhưng lại hiện số máy của 2 mạng điện thoại trong nước 090 và 091.

Thủ đoạn của Tùng và Hương là dùng thiết bị chuyển tiếp kết nối các cuộc gọi từ nước ngoài với mạng điện thoại di động trong nước để biến các cuộc gọi từ nước ngoài thành cuộc gọi trong nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, bọn chúng đã phải mua tới gần 6.000 thẻ sim trả trước của mạng di động Vinaphone chuyển ra nước ngoài để thực hiện hành vi phạm pháp. Vụ trộm cắp này đã gây thiệt hại cho Nhà nước ước tính hàng chục tỷ đồng.

Sẽ quản lý chặt các thuê bao trả trước

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 1999 đến nay đã có gần 50 vụ trộm cắp cước viễn thông quốc tế bị phát hiện kéo theo con số thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.

Ông Trần Ngọc Tiếp - Phó Chánh thanh tra Bộ Bưu chính - Viễn thông cho biết: Hiện tại đang rộ lên hình thức trộm cước qua đường truyền Internet ADSL Phương pháp phát hiện và chống lại nạn trộm cước từ trước tới nay ngành Bưu chính - Viễn thông vẫn áp dụng chủ yếu dựa vào các biện pháp kỹ thuật rà soát trên mạng, theo dõi lưu lượng của các thuê bao cố định để phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Nhằm tìm giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng trộm cước viễn thông, vào cuối tháng 3/2006, Bộ Bưu chính - Viễn thông dự định sẽ tổ chức một Hội nghị "Chống tội phạm trộm cắp cước viễn thông và gian lận thương mại".

Ngoài những giải pháp từ trước tới nay vẫn áp dụng, có hai giải pháp quan trọng sẽ được bàn bạc và quyết định. Thứ nhất là việc nghiên cứu để giảm giá thành dịch vụ viễn thông. Thứ hai là quản lý chặt các thuê bao trả trước. Hiện tại, số lượng thuê bao trả trước đang chiếm tới 3/4 tổng số thuê bao. Theo ý kiến của cơ quan chức năng thì việc quản lý thuê bao trả trước là điều hết sức cần thiết, tránh tình trạng buông lỏng như hiện nay. Quản lý chặt chẽ các thuê bao trả trước ngoài việc góp phần hạn chế nạn trộm cước, sẽ giải quyết được tình trạng nghẽn mạch ảo. Hạn chế tình trạng sử dụng sim trả trước để gọi điện, nhắn tin  gây quấy phá như thực tế đã diễn ra. Biện pháp quản lý những thuê bao trả trước tuy không quá chặt chẽ nhưng cũng sẽ được áp dụng tương tự như thuê bao trả sau để tiện việc theo dõi, quản lý

Xuân Luận
.
.
.