Triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam rất tích cực

Chủ Nhật, 20/09/2020, 08:34
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam rất tích cực. Kinh tế Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực thi các FTAs, tạo động lực cho thu hút FDI. Điều đó thể hiện qua việc nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” mà Việt Nam đang thực hiện. 


Bên cạnh đó, việc thực thi Hiệp định EVFTA đã mang lại tín hiệu tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, đây được xem như là “cú hích” cho tăng trưởng trong khu vực nông nghiệp, thuỷ sản.

Theo báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2020”, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa công bố ngày 19-9 đã đánh giá cao việc các cơ quan chức năng đã kiểm soát nhanh chóng đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Đà Nẵng. Tuy dịch bùng phát buộc Việt Nam phải triển khai các biện pháp hạn chế đi lại và đẩy mạnh các biện pháp khác để giảm tác động, nhưng cách tiếp cận có mục tiêu đã giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế so với đợt cách ly toàn quốc trong tháng 4.

Tiêu dùng nội địa giảm sút do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến.

Trong tháng 8 vừa qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm hơn những tháng gần đây. Xuất khẩu của Việt Nam ổn định, tăng trưởng 1,42% mỗi tháng, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm đáng kể, chỉ đạt khoảng 720 triệu USD trong tháng 8 so với 3,1 tỷ USD vào tháng 7-2020.

Việt Nam đã nhận được 19,5 tỷ USD vốn FDI trong 8 tháng năm 2020, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (NSA) tăng 2,1% trong tháng 8, thấp hơn một chút so với tháng 7, còn tăng trưởng doanh số bán lẻ (SA) giảm xuống 2,3% trong tháng 8 so với 5,2% trong tháng 7.

Cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư trong 8 tháng năm 2020 và Ngân hàng Nhà nước tích lũy thêm khoảng 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 8, ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm nhẹ so với những tháng gần đây do giá lương thực ổn định. Cùng với đó, chi tiêu công tăng 8,2%, một phần do đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình đầu tư để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đóng góp một phần rất quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô là dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã đạt ngưỡng kỷ lục mới là 92 tỷ USD, (tháng 4-2020 là 84 tỷ USD) đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015 và được dự báo có thể tăng lên con số 100 tỷ USD vào cuối năm 2020.

Quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở mức khoảng 4 tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã giúp củng cố an ninh quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, cán cân thương mại tháng 8-2020 thặng dư khoảng 2,5 tỷ USD và lũy kế 8 tháng qua thặng dư là 10,93 tỷ USD. Đây là nguồn cung ngoại tệ dồi dào để Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố đánh giá giữa bối cảnh đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực.

Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn. Theo đó, tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.

Tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã báo cáo Chính phủ về ước tính tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt từ 2-3%. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch COVID-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài cả năm 2021.

Nhìn nhận về những con số dự báo đưa ra của các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, dự báo của ADB về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt 1,8% là dựa trên nhận định về các điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, việc kiểm soát dịch COVID-19 rất thành công, được quốc tế khâm phục, là yếu tố tránh cho nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề và suy thoái sâu như các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nét đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam khác với các nước đó là sự chuyển đổi lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức trong giai đoạn khó khăn cũng giúp cho kinh tế Việt Nam không tăng trưởng cao như trong điều kiện không có dịch, chứ không bị tăng trưởng âm như nhiều nước khác. Mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể đạt từ 2-3%.

Lưu Hiệp
.
.
.