Trang trại bảo tồn động vật hoang dã Đồng Nông: Đổi đời cho hàng chục hộ nghèo

Thứ Tư, 01/09/2010, 16:52
Trang trại đã thu hút và tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động là người dân địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 1,5-2,5 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thanh Hải, nhân viên tại trang trại Đồng Nông cho biết: Từ khi trang trại được xây dựng, nhiều gia đình trong xã đã thực sự được "đổi đời".

Như nhiều doanh nhân thành đạt khác, không chỉ nghĩ cho mình, ông Lê Thanh Thản (Diễn Lâm - Diễn Châu - Nghệ An) còn là người luôn biết tri ân với vùng đất đã sinh thành, dưỡng dục mình. Ông cũng là doanh nhân thông qua Báo CAND tài trợ cho đồng bào bão lụt miền Trung và nhiều gia đình gặp nạn khác trị giá 300 triệu đồng. Năm 2007, ông đã quyết định xây trường học và bệnh viện tại huyện Diễn Châu phục vụ mục tiêu khuyến học và từ thiện như một sự trả nghĩa với quê hương. Năm 2008, ông tiếp tục đầu tư cải tạo vùng đất hoang hóa gần 56ha tại Diễn Lâm, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Diễn Châu để xây dựng mô hình trang trại bảo tồn, nuôi động vật hoang dã, với hơn 30 loài quý hiếm; "đổi đời" cho nhiều lao động nghèo ngay tại địa phương.

Từ Quốc lộ 1A vào đến trang trại bảo tồn động vật hoang dã Đồng Nông, xã Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An khoảng chừng 5km. Tuy nhiên đường vào trang trại khá lắt léo, với những khúc quanh, những ngã rẽ khiến người đi đường rất dễ bị lạc. Để có được con đường này, Ban lãnh đạo trang trại Đồng Nông đã phải bỏ rất nhiều công sức để cải tạo. Bởi cách đây khoảng 5-7 năm, toàn bộ khu vực được làm trang trại này (56 ha) vốn là một vùng đất hoang hóa với đồi núi, đầm lầy, đất cằn cỗi không canh tác được nên hoàn toàn "cô lập" với khu dân cư trong xã.

Vốn là người dân địa phương, lại từng có một tuổi thơ nhọc nhằn với ngày hai buổi, một buổi đi bộ gần chục kilômét để đến trường, một buổi đi chặt củi với đôi chân trần nứt nẻ, bụng đói meo nên hơn ai hết ông Lê Thanh Thản hiểu được sự vất vả của người dân quê. Ông luôn nung nấu ý định cải tạo đất, giúp người dân quê có thể xóa đói giảm nghèo và từng bước làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Xuất phát từ tâm niệm đó, ông đã xin chính quyền địa phương giao 56ha đất hoang hóa để cải tạo, trồng cây phủ lấp "đất trống đồi trọc", kè đầm lầy thành những ao chuôm để phục vụ chăn nuôi và xây dựng trang trại chăn nuôi và bảo tồn động vật hoang dã, tạo cơ hội cho người dân địa phương có việc làm. Đến nay, trang trại chăn nuôi động vật hoang dã do ông đầu tư đã cơ bản hoàn thành, trở thành một mô hình thu hút được nhiều người dân trong huyện, tỉnh đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm.

Một góc trang trại Đồng Nông. Ảnh: Trung Kiên.

Anh Lê Văn Thành, cán bộ phụ trách tại trang trại Đồng Nông cho biết: Với chức năng chủ yếu là xây dựng vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn; nuôi dưỡng, chăn nuôi, trưng bày, nhân giống, giáo dục bảo tồn động - thực vật hoang dã, nên Ban quản lý trang trại Đồng Nông đã nhập khẩu nhiều cá thể động vật hoang dã quý hiếm từ nước ngoài về, trong đó có 2 con tê giác trắng được mua tại châu Phi với giá 1,9 tỷ đồng. Việc nuôi động vật hoang dã quý hiếm của công ty dựa trên cơ sở Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Vì thế, toàn bộ hơn 30 loài động vật hoang dã, quý hiếm được nuôi dưỡng và bảo tồn tại trang trại như hổ, ngựa vằn, đà điểu, linh dương, hươu, gấu… và đặc biệt là 2 con tê giác trắng đều được nhập về theo quy trình, thủ tục hợp pháp, được Cục Kiểm lâm, Văn phòng Cites Việt Nam (cơ quan thực thi Công ước Cites về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp) cho phép nhập. Từ lúc đi vào hoạt động đến nay, Ban quản lý trang trại vẫn chưa bán vé mà chủ yếu mở cửa miễn phí phục vụ người dân trong tỉnh đến tham quan.

Trang trại đã thu hút và tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động là người dân địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 1,5-2,5 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thanh Hải, nhân viên tại trang trại Đồng Nông cho biết: Từ khi trang trại được xây dựng, nhiều gia đình trong xã đã thực sự được "đổi đời". Cũng theo tiết lộ của chị Hải, ngoài việc được nhận vào trang trại làm việc, có thu nhập ổn định, Ban quản lý trang trại còn tạo điều kiện cho anh chị em công nhân cũng như một số hộ nghèo trong xã có thêm thu nhập, bằng cách cho mượn trâu về nuôi. Hơn 100 con trâu của trang trại đã được chuyển cho các gia đình công nhân, các hộ nghèo "mượn" về để phục vụ cày cấy, đồng ruộng cũng như nhân giống. Thế mới có chuyện nhiều hộ nghèo ở xã Diễn Lâm từ chỗ "trắng tay", đến nay hầu như nhà nào cũng có từ 1-2 con trâu phục vụ cày cấy, xóa đói giảm nghèo

Hoàng Mai

.
.
.