Tôm hùm chết hàng loạt ở tỉnh Khánh Hòa
Ước tính có khoảng 50% trong số gần 30.000 lồng nuôi tôm hùm của ngư dân ven biển tỉnh Khánh Hòa bị chết, thiệt hại lên đến 250 tỷ đồng. Thực trạng tôm hùm lồng bị chết do mắc phải một loại bệnh lạ nhưng các nhà chuyên môn chưa xác định được nguyên nhân.
Theo các chuyên gia thủy sản cho biết, loại bệnh lạ này khởi phát tại đảo Bình Ba, xã Cam Bình, thị xã Cam Ranh rồi lan rộng đến các vùng nuôi tôm hùm lồng ven biển huyện Vạn Ninh. Triệu chứng thường thấy ở những con tôm mắc bệnh là bỏ ăn, hoạt động yếu dần, phần bụng ở đốt giáp và phần đầu ngực có màu trắng đục.
Khi lấy mẫu tôm hùm chết, các chuyên gia thủy sản đã tiến hành giải phẫu, chọc ổ bụng tìm thấy một loại dịch màu trắng như sữa, có mùi hôi, gan tụy đều bị hoại tử có màu sắc trắng đục thể đậm đặc hơn phần dịch ở ổ bụng, nên ngư dân tạm gọi đó là bệnh "tôm sữa".
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh bùng phát, các chuyên gia thủy sản ở Viện Hải dương học Nha Trang và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã tiếp cận hiện trường các lồng bè để khảo sát thực tế, thu thập các mẫu bệnh phẩm, nguồn nước, thức ăn để tiến hành các bước xét nghiệm.
Qua phân tích mẫu bệnh phẩm, các chuyên gia đã tìm thấy sự xuất hiện của các loài vi khuẩn thuộc giống Vibrio và dấu hiệu cảm nhiễm của nấm Fusarium SP, ký sinh trùng trong máu và cơ của những con tôm mắc bệnh…
Tuy nhiên nguyên nhân và cơ chế gây bệnh vẫn chưa xác định chính xác, và mặc dù người nuôi tôm đã thực hiện những khuyến cáo như thường xuyên chú trọng vệ sinh lồng nuôi, di chuyển lồng xuống vị trí nước ở độ sâu hơn và không nên cho tôm ăn thức ăn tươi sống như cua, ghẹ, cá, đồng thời sử dụng một số thuốc kháng sinh điều trị các chứng bệnh đường ruột, viêm gan tụy, đục thân thường dùng cho tôm sú như Doxyxiline, Vime N333, Enrocine… nhưng kết cục tôm hùm lồng vẫn chết.
Trước thực trạng nêu trên, một tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia thành 5 nhóm tiếp cận các vùng nuôi tôm hùm lồng tại Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận để tiến hành các cuộc khảo sát, thu thập mẫu bệnh phẩm để nghiên cứu dịch tễ học, xét nghiệm kỹ thuật, kiểm nghiệm các chỉ tiêu về môi trường… nhằm sớm xác định nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh "tôm sữa".
Theo Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thú y thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuyên gia sẽ tìm ra nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa, điều trị bệnh "tôm sữa" trước ngày 30/11