Tìm giải pháp khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thứ Sáu, 31/05/2013, 22:41
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Khơi thông nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh: Theo thống kê, cả nước có trên 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô không quá 300 lao động và không quá 100 tỷ đồng vốn. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên nhà nước có nhiều chính sách riêng biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như chính sách hỗ trợ đào tạo, chính sách hỗ trợ thuế, chính sách bảo lãnh tín dụng và gần đây nhất là quyết định 601/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/4/2013 hỗ trợ cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới và thị trường nội địa đang trong tình trạng bão hòa... nên vấn đề khơi thông nguồn vốn đang là vấn đề rất quan trọng để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo lợi nhuận, tiếp tục phát triển.

Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Nhà nước đã có nhiều chính sách, giải pháp khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhưng nếu khơi thông nguồn vốn chỉ dựa vào chính sách tiền tệ thì không đủ mà còn cần nhiều chính sách khác. Thực tế, thời gian qua chính sách tiền tệ đã tác động giảm mặt bằng lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay cũng giảm từ 2-4%, điều này đã góp phần thúc đẩy tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn sản xuất nhưng với mức lãi suất thấp các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn, điều này cho thấy, doanh nghiệp cần cải cách để tăng khả năng thuyết trình, thuyết minhdự án khả thi của mình, chứng minh dòng tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình...

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng VP Bank cho biết: Ngân hàng rất muốn hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhưng thực tế ngân hàng VP Bank cũng là doanh nghiệp nên phải bảo toàn vốn, nên thực tế chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đủ điều kiện vay vốn. Ngoài ra khoảng 70% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối phó với tình trạng suy giảm trong sản xuất kinh doanh, tồn đọng sản phẩm nên không có nhiều nhu cầu vay vốn. Do đó, cần sự hợp tác, chia sẻ giữa các bên cũng như sự vươn lên của chính doanh nghiệp để khơi thông nguồn vốn. Đặc biệt, nếu nhà nước có cơ chế bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh cho doanh nghiệp có dự án tốt, có chiến lược phát triển, đầu tư vào ngành nghề có triển vọng... vay vốn tín chấp để phát triển và trường hợp rủi ro thì nhà nước phải “gánh” rủi ro cùng ngân hàng thì đây cũng là giải pháp khơi thông nguồn vốn hiệu quả

Đức Huy
.
.
.