Thúc giải ngân đầu tư công – động lực tăng trưởng cho năm 2021
- Tốc độ tăng vốn đầu tư công đạt mức cao nhất giai đoạn 2011-2020
- 5 địa phương đề nghị trả kế hoạch vốn đầu tư công
Với những giải pháp đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Đây là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề cho tăng trưởng trong năm 2021.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công năm 2020 ước đạt 389.000 tỷ đồng, đạt 82,8% so với kế hoạch. Đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%).
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt từ tháng 10 đến nay. Có 17 bộ, cơ quan Trung ương và 17địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến 31/12/2020, đạt trên 80%. Tuy nhiên, vẫn có 13 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%.
Đầu tư công có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế đất nước. |
Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, Bộ KH&ĐT cho biết, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến ngày 24/12/2020, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đạt 92,21%.
Trong khi đó, lũy kế giải ngân đến nay của dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới được 5.038,556 tỷ đồng, đạt 27,69% kế hoạch được giao. Với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đến nay đã giải ngân được 907 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch.
“Từ con số trên cho thấy, chưa bao giờ, tốc độ giải ngân đầu tư công lại nhanh và mạnh như năm 2020. Riêng với năm 2020, có thể khẳng định, đầu tư công là động lực tích cực cho tăng trưởng GDP. Đơn cử, lấy ví dụ như thế này, GDP là 100%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP, đầu tư công chiếm 25% của tổng đầu tư toàn xã hội, nghĩa là chiếm khoảng 6-7% của GDP. Con số này là tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP. Điều này cũng khẳng định rằng, đầu tư công có một vai trò quan trọng trong tăng trưởng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được Bộ KH&ĐT báo cáo, phân tích trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ, tại các hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tổng hợp báo cáo từ các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù. Đây là nguyên nhân cố hữu tồn tại từ lâu nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp ưu tiên và có tính khả thi nhất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân toàn bộ vốn NSNN năm 2021. Để đạt mục tiêu này, Bộ KH&ĐT kiến nghị triển khai các giải pháp: Khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 cho các dự án đảm bảo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2021, Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng hợp phương án phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới trên Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước để Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định.
Trong quý I/2021, hoàn thành các thủ tục để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2021. Chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu,... đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn cho các nhà thầu theo hợp đồng.