Thiệt đơn, thiệt kép vì game lậu

Thứ Bảy, 26/04/2014, 15:17
Tại Hội thảo góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư quản lý trò chơi điện tử trên mạng Internet do Bộ Thông tin và Truyền Thông tổ chức ngày 25/4, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, tình trạng game lậu tràn lan trên thị trường gần đây nhưng nhà nước lại chưa có giải pháp quản lý hiệu quả không chỉ gây thất thu thuế cho Nhà nước mà còn gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa doanh nghiệp (DN) game trong nước với nước ngoài.

Trong đó, việc phần lớn doanh thu đều chảy vào túi các DN nước ngoài là một trong những hậu quả nhãn tiền của vấn nạn game lậu, game phát hành không phép.

Dẫn chứng về vấn nạn game lậu đang tràn lan trên thị trường với diễn biến phức tạp, gây thất thu cho Nhà nước và cạnh tranh bất bình đẳng với DN game làm ăn chân chính trong nước, ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết: Vừa qua Thanh tra Bộ đã phối hợp với C50, Bộ Công an tiến hành hai cuộc thanh tra đột xuất tại một số công ty phát hành game online tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Qua đó phát hiện một số DN Việt Nam có hành vi tiếp tay phát hành trái phép game Trung Quốc tại Việt Nam.

Cụ thể, Công ty Lemon Game ở TP Hồ Chí Minh do một người Việt Nam đăng ký làm đại diện, nhưng từ tháng 5/2013 đến nay lại do một người Trung Quốc điều hành hoạt động của công ty này. Khi làm việc với thanh tra của Bộ TT&TT, vị giám đốc người Việt đã cho rằng có nhiều chữ ký của ông ta trong các văn bản hoạt động của công ty này là giả mạo. Đoàn thanh tra cũng phát hiện một người Việt Nam khác là ông Nguyễn Nam Tiến đã thành lập tới 3 công ty để ký thỏa thuận hợp tác phát hành các game online không phép của Koram Game (một doanh nghiệp Trung Quốc) tại Việt Nam. Các công ty này chỉ có trách nhiệm chăm sóc khách hàng và đứng ra ký hợp đồng thuê máy chủ nhưng được đối tác Trung Quốc trả từ 20-22% doanh thu…

“Phần lớn doanh thu sau khi đối soát đều chảy vào túi các DN nước ngoài. Đáng chú ý, không chỉ có game lậu mà có thể một số dịch vụ bất hợp pháp khác cũng có thể lợi dụng kẽ hở này để âm thầm tồn tại và phát triển tại thị trường Việt Nam, đặc biệt các dịch vụ qua mạng”, ông Hùng cho biết.

Đề xuất các biện pháp nhằm hạn chế hiệu quả tình trạng game lậu hoành hành, các DN game trong nước đề xuất, Bộ TT&TT cần có quy định điều chỉnh hoạt động của cổng thanh toán (nơi DN nước ngoài thu tiền từ người chơi trong nước) và DN cung cấp dịch vụ Internet (các đơn vị cho thuê máy chủ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật để DN nước ngoài phát hành game lậu ở Việt Nam) bởi việc kiểm soát được các cổng thanh toán sẽ triệt tiêu được phần lớn nguồn thu của doanh nghiệp phát hành game lậu.

Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Vina Game cũng kiến nghị: Giấy phép kinh doanh là mấu chốt của vấn đề. Việc cấp phép phát hành game sẽ giúp phân biệt DN đàng hoàng với DN làm chui, làm lậu. Nói cách khác, DN nào đang phát hành game cũng sẽ phải tuân thủ theo quy định của Bộ TT&TT.

Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của DN, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định: Lĩnh vực game đang phát triển quá nhanh nên việc quản lý trên thực tế nhiều khi chưa theo kịp. Tuy nhiên, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Cục sẽ cố gắng sớm hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn về việc quản lý trò chơi điện tử trên mạng internet để từng bước hạn chế game lậu, gỡ khó cho DN game trong nước

Huyền Thanh
.
.
.