Tháo gỡ “rào cản” để thủy sản tiếp cận sâu thị trường EU
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), thuỷ sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, có giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) đứng trong TOP 5 các ngành kinh tế chủ lực của đất nước với kim ngạch XK trung bình trong 3 năm qua từ 7 đến gần 9 tỷ USD/năm và tỷ lệ tăng trưởng trung bình đạt 7-15%/năm. Ngành không chỉ tạo việc làm cho gần 5 triệu lao động thường xuyên mà quan trọng là luôn gắn chặt với lực lượng ngư dân, nông dân của đất nước, góp phần trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng và sinh kế cho người dân.
Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1-8 thì sẽ có 212 mặt hàng thủy sản sẽ về 0%. Cụ thể, một số mặt hàng đang chịu thuế cao được về 0% như: Tôm hùm đang áp thuế nhập khẩu (NK) ở mức 8-20%, thanh cua đang áp thuế suất 14,2%, cá tuyết thuế suất 13%, tôm hồng áp thuế suất 12%... Các mặt hàng hàu, sò điệp, mực, cá bơn, hải sâm... có mức thuế NK từ 8-11%. Theo đánh giá của VASEP, Hiệp định EVFTA là một cơ hội tốt cho hàng thủy sản Việt Nam gia tăng XK và cạnh tranh trên thị trường EU. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này thì các DN trong ngành cũng phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua những rào cản, khó khăn.
Cụ thể, tháng 10-2017, Ủy ban Châu Âu (EU) đã cảnh báo thẻ vàng về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với Việt Nam. Sau khi bị phạt thẻ vàng IUU, giá trị XK hải sản của Việt Nam sang EU đã giảm nhiều. Năm 2018, kim ngạch XK giảm 7% so với năm 2017, năm 2019 kim ngạch XK giảm 4,5% so với năm 2018, làm tổng kim ngạch thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 8,6 tỷ USD (giảm 2,5% so với năm 2018).
Nhìn nhận về tình hình XK và tác động của Hiệp định EVFTA đối với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội VASEP giải thích: Trong 5 tháng đầu năm2020, có sự sụt giảm khá mạnh ở thị trường EU do dịch COVID-19 và nhiều quốc gia NK thủy sản lớn của Việt Nam cũng đang đối mặt với vấn đề chống dịch.
Ngành thủy sản nỗ lực xóa bỏ rào cản tại thị trường EU. |
Mặc dù khó khăn nhưng trong thời gian tới ngành thủy sản cũng có 2 cơ hội lớn: Thứ nhất, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thì giai đoạn cuối năm ngành thủy sản có kỳ vọng tăng trưởng thêm do lợi thế về thuế suất, đặc biệt đối với sản phẩm tôm. Tuy nhiên, kỳ vọng nhiều hơn khi bước sang năm 2021 vì trong thời gian còn lại của năm 2020, tác động của Hiệp định EVFTA vẫn còn mang tính khởi động, đây là thời gian để chúng ta rà soát lại mọi vấn đề để quy trình được vận hành trơn tru hơn, chắc chắn năm 2021 sẽ gặt hái những thành công nhờ tác động Hiệp định này.
Thứ 2: Các quốc gia XK, đặc biệt là tôm đang đối mặt với việc giảm sản lượng, khả năng Việt Nam có được nguồn nguyên liệu tốt thì chắc chắn tranh thủ được cơ hội đó để phục hồi lại thị trường EU, nhất là 2 sản phẩm quan trọng là tôm và cá tra.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, EU hiện là thị trường XK thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ, với tỷ trọng từ 17 - 18% trong tổng giá trị XK thủy sản. Trong đó, XK tôm sang EU chiếm 22% thị phần, cá tra chiếm 11%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, XK thủy sản của cả nước ước đạt trên 3,5 tỷ USD (giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, mặt hàng có giá trị XK giảm sâu nhất là cá tra (giảm tới 31% so với cùng kỳ năm 2019), cá ngừ và mực bạch tuộc cũng giảm 20%. Chỉ có tôm giữ được mức tăng nhẹ gần 3%...
Nói về vướng mắc của DN thủy sản khi Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực, ông Hòe cho biết, DN thiếu thông tin về cơ chế hạn ngạch theo EVFTA. Cụ thể, theo nội dung của EVFTA, hạn ngạch thuế quan của EU đối với cá ngừ là 11.500 tấn/năm và sản phẩm surimi có hạn ngạch 500 tấn/năm. Cho đến thời điểm sát mốc EVFTA có hiệu, các DN vẫn chưa nắm được cơ chế phân bổ hạn ngạch đối với 2 sản phẩm này được thực hiện như thế nào để kịp có kế hoạch sản xuất, XK. Vì vậy, đề nghị Bộ Công thương có thông báo sớm cho DN về cơ chế phân bổ hạn ngạch cá ngừ và surimi trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, ông Hòe lưu ý DN: “Hiệp định EVFTA thì sản phẩm chế biến chưa được giảm thuế về 0 ngay mà theo lộ trình 5-7 năm. Vì vậy, DN tranh thủ cơ hội này để tạo niềm tin đối với EU vào khả năng cung ứng, cũng như tạo niềm tin vào sự thực thi Hiệp định EVFTA một cách nghiêm túc từ phía các DN Việt Nam trong việc tiếp cận và chinh phục EU trong thời gian sắp tới”.