Tạo điều kiện để dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế
Ngân hàng, doanh nghiệp “thoát hiểm”
Thực ra, nội dung TT02 tưởng như chỉ điều chỉnh và tác động trực tiếp đến các ngân hàng thương mại (NHTM), song lại có liên hệ sâu sắc với nhiều doanh nghiệp (DN). Theo quy định tại TT 02, khi thực hiện phân loại nợ và xử lý nợ xấu, sẽ có tác động rất lớn tới hệ thống NH cũng như cả nền kinh tế, đó là nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ tăng mạnh từ 3 - 4% lên tới 15 - 16%/tổng dư nợ của hệ thống.
Cùng đó, việc thực hiện phân loại lại nhóm nợ theo TT02, đặc biệt việc thống nhất phân loại nợ giữa các tổ chức tín dụng sẽ khiến khách hàng bị đẩy tới nhóm nợ xấu hơn và tụt hạng theo thang điểm xếp hạn tín dụng nội bộ. Do đó, khách hàng sẽ khó tiếp cận vốn, thậm chí bị từ chối khi bị xếp hạng kém, làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu, cản trở cấp vốn cho nền kinh tế, đi ngược lại mong muốn của NHNN trong việc tăng trưởng tín dụng. Chính vì vậy, sau nhiều thảo luận và tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia và cộng đồng DN, NHNN đã chính thức lùi thời điểm áp dụng TT 02 thêm một năm nữa, tức từ ngày 1/6/2014.
DN được hoãn chuyển nhóm nợ xấu sẽ có cơ hội tiếp cận vốn tín dụng. |
Vốn đang có nợ NH quá hạn, lại nằm trong diện “nhạy cảm” vì là ngành đóng tàu, một lãnh đạo DN có địa chỉ ở quận Cầu Giấy - Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho biết, anh mong chờ việc lùi thực hiện TT 02 từ cách đây mấy tháng. “Khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong một cuộc họp cho biết đang tính toán và lấy ý kiến để lùi thực hiện TT02, nói thật không phải tôi mà nhiều DN khác đều phấn khởi.
Thời buổi kinh tế khó khăn, tiếp cận vốn NH đã trăm bề cản trở, từ việc không có tài sản thế chấp, đến hàng tồn kho, nếu lại thêm rào cản nợ xấu, chắc công ty tôi đóng cửa. Giờ được lùi thực hiện, không ở trong danh sách “cảnh báo đỏ”, chúng tôi sẽ có thêm cơ hội tiếp cận vốn để phát triển sản xuất. Nếu việc kinh doanh hanh thông, sang năm trả được nợ cũ thì đến thời hạn 1/6/2014, khi thực hiện TT02, chúng tôi cũng chẳng lo bị liệt vào nhóm nợ xấu nữa”.
Tạo thế cờ để “xoay”
Đó là từ mà chuyên gia kinh tế, TS Lê Thẩm Dương nói về việc lùi thực hiện TT02. Theo vị chuyên gia này, “NHNN đã nhân nhượng cho các NHTM, để thời gian cho các NHTM cùng doanh nghiệp “xoay”. Phần nữa, vì con số nợ xấu của khối NHTM chưa biết chính xác là bao nhiêu nên NHNN không dám thực hiện ngay. Điều quan trọng nhất là khi DN bị xếp hạng xấu, cùng bị đẩy vào nhóm 4, nhóm 5 thì hết đường vay. Tăng trưởng tín dụng sẽ về “mo” trong khi đó nỗ lực lớn của NHTM là khơi thông tín dụng”.
Từ phía đại diện NHTM, Phó Chủ tịch NH Bưu điện Liên Việt, ông Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, trong giai đoạn tháo gỡ khó khăn cho DN thì hoãn TT02 là điều cần thiết, vì DN là nền tảng của NH, của cả nền kinh tế. Theo ông Hưởng, trong quãng thời gian 1 năm này, các NHTM sẽ giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng.
Người đứng đầu NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cũng nhận định: nếu như DN bị xếp vào nhóm nợ xấu thì rất khó để tiếp cận với vốn, tình trạng khó khăn sẽ tăng thêm và rất có thể dẫn tới phá sản. Với lộ trình kéo dài thời gian, không để cho DN bị đánh giá và chuyển vào nhóm nợ xấu thì có thể phần nào hỗ trợ cho DN. Tuy nhiên từ phía các NH vẫn phải nghiêm túc thực hiện việc rà soát và tính toán tỷ lệ nợ xấu.
Bên cạnh đó, việc cho các DN tạm thời không gia nhập nhóm nợ xấu không có nghĩa là quá dễ dãi trong việc cho vay. “Việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực thi hành của TT 02 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận vốn vay NH, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp cho tổ chức tín dụng có thêm thời gian để chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đầy đủ TT 02”, NHNN giải thích.
Tuy nhiên, xung quanh việc lùi TT02, cũng có ý kiến cho rằng không nên quá vui mừng. “Về mặt chính sách cần phải minh bạch nợ xấu. Nếu áp dụng TT02, xét cho cùng sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống. Lùi TT02 thì con số nợ xấu vẫn nằm trong vùng tù mù, và bất kỳ giải pháp nào NHNN đưa ra cũng không phát huy hết tác dụng.
Bởi vậy, quan trọng nhất là nắn dòng vốn thực vào thị trường, vào DN. Chứ nếu đơn thuần để NH dùng kỹ thuật tài chính chuyển nợ, lấy vốn của DN này đưa sang cho DN khác thì tín dụng có tăng cũng chỉ là "ảo”. Chỉ trên sổ sách thì không giải quyết được khó khăn cho DN”, chuyên gia ngân hàng, TS Đinh Tuấn Minh góp ý