Tăng cường thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân

Thứ Ba, 29/03/2016, 09:08
Để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai, Việt Nam đã có chủ trương xây dựng một chương trình điện hạt nhân bền vững, lâu dài với những lộ trình cụ thể. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một quyết sách khởi đầu có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề cho các dự án điện hạt nhân tiếp theo.


Trong hoàn cảnh là một nước mới bắt đầu xây dựng điện hạt nhân, ngoài các yếu tố về nhân lực, pháp quy an toàn, tài chính…, yếu tố đồng thuận xã hội là rất quan trọng.

Chính vì vậy, để có được sự đồng thuận và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở các địa phương có địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, công tác thông tin, tuyên truyền cần phải được tiến hành bài bản, sâu rộng, có tính chiến lược lâu dài, hướng đến một cách phù hợp với từng đối tượng công chúng cụ thể. 

Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030 theo Đề án số 370 về thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28-2-2013 đã nhấn mạnh: Hoạt động thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân phải đảm bảo kịp thời, minh bạch, được tiến hành đồng bộ, phù hợp với tiến độ của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án điện hạt nhân tiếp theo. 

Theo đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng triển khai thông tin tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chiến lược, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển điện hạt nhân đến mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, từ đó tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội, góp phần tạo nên sự thành công của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Sau khi Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì tổ chức làm việc với các cơ quan liên quan, hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch thực hiện Đề án năm 2014 đúng thời hạn. Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai Đề án 370 để đảm bảo đúng tiến độ, thống nhất và hiệu quả.

Trong khuôn khổ hợp tác xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử, nhằm mục đích phổ biến kiến thức về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân cho công chúng nói chung và sinh viên, học sinh nói riêng. 

Trung tâm được đặt tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đến nay đã có hàng chục nghìn lượt người vào tham quan, học tập và nhiều hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức tại Trung tâm, góp phần vào việc thực hiện chủ trương của Nhà nước là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân ở Việt Nam. 

Tại Ninh Thuận, với sự chủ trì của Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, các trường phổ thông cũng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh như tham quan lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt; tổ chức giao lưu tại Chương trình tư vấn mùa thi; tặng quà, thi tìm hiểu về điện hạt nhân… 

Các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về điện hạt nhân và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, đặc biệt là của nhân dân địa phương đối với chương trình phát triển điện hạt nhân.

Văn Hào
.
.
.