Tái diễn nạn bơm tạp chất vào tôm tại Cà Mau

Thứ Ba, 28/08/2007, 10:59
Gần đây, địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện nhiều trường hợp gian lận trong kinh doanh mua bán mặt hàng thủy hải sản, trong đó nghiêm trọng nhất vẫn là tôm nguyên liệu chứa tạp chất (như rau câu, bột bí đao nấu chín để tiêm vào tôm nguyên liệu).

Vấn đề này đã làm giảm rất nhiều về uy tín xuất khẩu mặt hàng thủy sản, đồng thời cũng làm cho người nuôi tôm điêu đứng vì tôm của họ liên tục bị rớt giá.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, Công an tỉnh đã chỉ đạo cho các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố tập trung phát hiện đấu tranh với các hành vi vi phạm. TP Cà Mau là một trong những địa bàn trọng điểm về việc mua bán, chế biến tôm nguyên liệu có chứa tạp chất.

Mỗi năm đã có hàng chục tấn tôm nguyên liệu chứa tạp chất bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Chỉ tính từ đầu năm 2007 đến nay, Công an TP Cà Mau kết hợp với Chi cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thú y thủy sản (Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau), Trung tâm Y học dự phòng tỉnh Cà Mau cùng lực lượng CSGT Công an TP Cà Mau theo dõi, chốt chặn, kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 47 vụ tiêm chích, vận chuyển tôm nguyên liệu chứa tạp chất, thu giữ 16,598 tấn tôm trên phạm vi TP Cà Mau. Trong đó có nhiều trường hợp tái vi phạm nhiều lần, ngày càng tinh xảo và quy mô hơn.

Trường hợp của Dương Trung Kỳ, 41 tuổi, ở K3 - P6, TP Cà Mau là một điển hình. Theo hồ sơ của Cảnh sát kinh tế Công an TP Cà Mau đang nắm giữ, Dương Trung Kỳ là một trong những đối tượng chuyên gian lận trong việc kinh doanh mua bán mặt hàng thủy hải sản đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Lần đầu vào tháng 6/2006, lực lượng làm nhiệm vụ bắt giữ Dương Trung Kỳ đang tổ chức vận chuyển tôm tiêm tạp chất với số lượng 290kg (vận chuyển hàng bằng xe tải nhỏ).

Rút kinh nghiệm lần đầu bị bắt và cũng tránh để cơ quan chức năng phát hiện việc làm phi pháp của mình, Dương Trung Kỳ đã thuê hẳn xe đông lạnh (phương tiện chỉ sử dụng trong việc chở hàng đông lạnh đã qua chế biến) để vận chuyển tôm chứa tạp chất đem bán cho các công ty chế biến thủy sản.

Tuy nhiên, hành vi của Dương Trung Kỳ cũng không qua được sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan Công an. Ngày 15/8, trên đường chở tôm tạp chất bằng xe đông lạnh từ huyện Thới Bình về TP Cà Mau, khi đến khu vực ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, chuyến hàng của Dương Trung Kỳ đã bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ với số lượng 1.350kg tôm nguyên liệu chứa tạp chất.

Theo Thượng úy Nguyễn Trung Khải - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về TTQLKT và CV Công an TP Cà Mau thì hiện tại việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với những trường hợp gian lận trong kinh doanh mặt hàng thủy hải sản vẫn còn quá nhẹ, chưa mang tính răn đe đối với đối tượng vi phạm.

Trước đây, việc xử lý chỉ áp dụng theo Nghị định 128/CP của Chính phủ trong mua bán, vận chuyển tôm chứa tạp chất đối với người vi phạm là "sơ chế loại bỏ tạp chất trong tôm" trả lại cho chủ hàng và xử phạt hành chính.

Ngày 19/1/2007, Chính phủ đã ra Nghị định 154/CP (thay thế Nghị định 128/CP) có một số điều, khoản tăng nặng hơn đối với việc áp dụng, xử lý đối với hành vi gian lận trong kinh doanh hàng thủy hải sản là "tịch thu hàng hóa vi phạm, xử phạt hành chính đối với chủ hàng".

Tuy nhiên, hình thức xử phạt này vẫn chưa mang tính thuyết phục. Bởi các chủ hàng thường lợi dụng kẽ hở của Nghị định này, khi bị bắt họ không ra mặt mà để cho các tài xế chịu thay. Tất nhiên là tài xế không bị vi phạm gì kể cả phương tiện cũng không bị xử lý, chỉ có hàng hóa vi phạm là bị tịch thu. Vì vậy, hầu hết các vụ tiêm chích, vận chuyển tôm nguyên liệu chứa tạp chất không được xử lý hành chính vì "hàng vô chủ".

Trong 47 vụ vi phạm của năm 2007, ngoài việc tịch thu hàng vi phạm, cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính được 12 vụ (có chủ hàng) với số tiền 93 triệu đồng, con số này xem ra vẫn còn quá ít.

Còn đối với tài xế vận chuyển, lực lượng làm nhiệm vụ chỉ lập hồ sơ chuyển qua Đội CSGT trật tự để xử lý được 13 trường hợp phương tiện tham gia giao thông chở hàng quá tải

Ngọc Thúy
.
.
.