TP HCM: Còn 19 ngàn doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Trước thực trạng này, năm 2010 BHXH thành phố đã phải tiến hành khởi kiện 150 doanh nghiệp ra tòa để đòi nợ và đã thu hồi được 11 tỷ đồng. Hiện tại, BHXH thành phố cũng đang tiếp tục đứng đơn khởi kiện thêm 130 doanh nghiệp nữa ra tòa.
Ngoài nguyên nhân là chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, bởi với doanh nghiệp chây ì khoản tiền bảo hiểm, giải pháp xử lý cao nhất hiện nay cũng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp. Trong khi mức xử phạt hành chính còn thấp hơn lãi vay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bị phạt để chiếm dụng vốn từ khoản tiền nộp bảo hiểm cho người lao động thay vì phải đi vay ngân hàng.
Cũng theo ông Sang, việc quản lý, xác nhận đối tượng tham gia BHXH tại TP HCM khá nan giải. Tới nay BHXH thành phố vẫn chưa thể xác định được tổng số đối tượng lao động đủ điều kiện đóng bảo hiểm là bao nhiêu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để được đóng BHXH, đại diện doanh nghiệp phải chờ hàng tháng trời và đi tới đi lui từ Phòng LĐ-TB&XH sang BHXH quận, huyện hàng chục lần. Chị Linh, người đã từng đi làm bảo hiểm cho người lao động của doanh nghiệp mình cho biết: Doanh nghiệp phải khai một loạt tờ khai về số lao động, mức tiền lương, tiền công…
Phức tạp vậy nên dù có được hướng dẫn cũng khó có thể thực hiện một lần là đúng ngay được. Mà chỉ cần một sai sót nhỏ là đại diện doanh nghiệp phải mang hồ sơ về làm lại. Và thủ tục để được khai nộp bảo hiểm cho người lao động quá rắc rối cũng chính một là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM trốn thực hiện trách nhiệm này.
Hiện tại, dù một quận, huyện ít nhất cũng phải quản lý vài ngàn tổ chức, doanh nghiệp; địa bàn nhiều lên tới hàng chục ngàn doanh nghiệp thì bộ phận phụ trách quản lý lao động, tiền lương tiền công của doanh nghiệp và hướng dẫn giải quyết thủ tục đăng ký nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động… cũng chỉ có vài người, quận nào cao lắm cũng chỉ trên 10 cán bộ, chuyên viên.
Một cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận Gò Vấp đã chia sẻ với chúng tôi: Người ít lại vừa lo hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết hồ sơ, vừa phải lo chia nhau xuống doanh nghiệp kiểm tra thực tế; tham gia giải quyết lãn công, đình công, tranh chấp giữa lao động và chủ doanh nghiệp…
Tình trạng quá tải ngay khi doanh nghiệp tiến hành làm thủ tục khai nộp bảo hiểm cho người lao động cũng là một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc khai báo sử dụng lao động. Điều này đã khiến BHXH không thể nắm được đầy đủ số lượng các đối tượng đủ điều kiện nộp bảo hiểm để quản lý, chế tài với chủ sử dụng gây thiệt thòi cho người lao động