TP HCM: Chợ truyền thống đang mai một

Chủ Nhật, 26/11/2006, 13:53

Kinh tế phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao đã khiến một bộ phận dân cư có mức thu nhập trung bình trở lên ở đô thị lớn dần quên đi thói quen đến chợ. Thay vào đó là đi mua sắm tại siêu thị, trung tâm thương mại...

TP HCM có một hệ thống chợ rất lớn, tới 385 chợ. Trong đó: 28 chợ loại 1 với trên dưới 1.000 tiểu thương/chợ; 48 chợ loại 2 với xấp xỉ 500 tiểu thương/chợ và 61 chợ loại 3, số còn lại là chợ chưa được phân loại hoặc chợ tự phát tại các khu dân cư mới, khu công nghiệp. Nhiều năm qua, hệ thống chợ truyền thống này đã trở thành một kênh phân phối quan trọng đối với người tiêu dùng thành phố. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, mãi lực mua bán của các chợ đã giảm một cách đáng kể, có những chợ giảm tới 50%.

Trong lúc chỉ số giá tiêu dùng luôn tăng ở mức 6 - 7% và sức mua của người dân thành phố thuộc loại cao nhất cả nước, trước sự cạnh tranh gay gắt từ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tạp hóa... dẫn đến tình trạng sang nhượng sạp khá phổ biến của tiểu thương.

Mặc dù thời gian qua, thành phố và các quận, huyện đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều chợ do mình quản lý nhưng vì được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất của các chợ truyền thống đã bị xuống cấp nghiêm trọng, số này đã chiếm tới 2/3.

Phổ biến là tình trạng mái bị dột, mục nát, sàn nhà và các quầy sạp bị hư hỏng, hệ thống cấp thoát nước bị tắc nghẽn gây tình trạng ngập nước, mất vệ sinh... càng khiến người dân ngại vào chợ.

Tình trạng vừa thiếu vừa thừa mặt bằng ngay trong một chợ đã diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở những chợ có tầng lầu hoặc nhà lồng, khi mà cả thành phố có 19 chợ có tầng lầu với diện tích hơn 52.000m2 thì đã có 1/3 diện tích mặt sàn tầng lầu không được sử dụng đúng công năng, phải cho thuê vào việc khác.

Việc bố trí các quầy sạp ngay trên các lối đi trong chợ, giảm diện tích các quầy sạp để tăng công suất sử dụng so với thiết kế đã khiến việc đi lại ở hầu hết các chợ rất khó khăn. Chưa kể đến tình trạng bị mất cắp trong lúc chen lấn, thì điều này cũng làm giảm sức hút người dân vào chợ mua sắm, dẫn tới xu hướng bỏ sạp trong nhà lồng để ra ngoài kinh doanh. Nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, gây ra tình trạng mất trật tự, ùn tắc giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường và làm mất mỹ quan của chợ.

Dịch vụ trông giữ xe cho người đi chợ cũng là việc quan trọng nhưng qua khảo sát của chúng tôi, rất ít chợ ở thành phố có được phần diện tích để tổ chức lập bãi và đảm trách dịch vụ này. Tình trạng chạy cả xe vào chợ hoặc các hộ dân xung quanh chợ đua nhau làm dịch vụ này đã gây thêm cảnh bát nháo, lộn xộn trước cổng chợ và gây tâm lý e ngại, bất an cho người đi xe đến chợ, nhất là những loại xe đời mới, đắt tiền.

Hàng hóa bán trong hệ thống chợ để thu hút khách cũng là điều đáng nói, trừ những mặt hàng chủ lực của một số chợ, trong lúc buôn bán khó khăn lại mang tính chất theo từng thời vụ nên tiểu thương ở các chợ luôn "khát" vốn. Song, theo tìm hiểu của chúng tôi, các chủ sạp có chủ quyền chỉ được ngân hàng cho vay tối đa 10 - 20 - 30 triệu đồng tùy chợ, còn đối với những tiểu thương kinh doanh không có sạp hoặc có sạp ở các chợ chưa được công nhận (số tiểu thương dạng này luôn chiếm khoảng 1/3 tại các chợ) thì mức vay tối đa chỉ có 3 triệu đồng theo hình thức bảo lãnh, tín chấp.

Điều này đã làm cho hàng hóa trong các chợ kém phong phú, nhất là những chủng loại hàng hóa cao cấp và đây cũng chính là kẽ hở để cho hiện tượng "tín dụng đen" vẫn có đất sống hoặc hiện tượng "bể hụi" vẫn xảy ra tại một số chợ.

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố đến năm 2010, thành phố vẫn xác định vai trò quan trọng của hệ thống chợ truyền thống đối với khu vực nội thành. Bởi hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hoặc các cửa hàng bán lẻ tuy xuất hiện ngày càng nhiều nhưng chưa thể thay thế được chức năng của các chợ đối với những loại hàng hóa như thực phẩm tươi sống, trái cây, đồ gia vị cùng nhiều loại nông sản thực phẩm khác.

Hơn nữa, tổng mức hàng hóa bán ra ở các chợ nội thành vẫn chiếm tỷ trọng lớn, góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ hàng hóa sản xuất ra cũng như đóng góp cho ngân sách thành phố, giải quyết công ăn việc làm và hạn chế được các chợ tự phát.

Đặc biệt, chợ phục vụ được bộ phận lớn dân cư có thu nhập thấp mà hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tỏ ra chưa thích hợp. Đối với khu vực ngoại thành và các quận ven đô, nơi mạng lưới thương mại chưa thực sự phát triển thì chợ truyền thống vẫn là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa quan trọng của nông dân - nông thôn, nhất là những quận, huyện có chợ đầu mối, cung cấp hàng hóa cho toàn thành phố và phục vụ xuất khẩu.

Thế nhưng, để duy trì được hệ thống chợ của thành phố trước sức ép cạnh tranh phân phối lưu thông, bán sỉ và lẻ hàng hóa ngày càng quyết liệt, đặc biệt là trước sự xuất hiện của những tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực này bởi sự hấp dẫn trước sức mua khá cao của chúng ta, thành phố cần có những giải pháp đồng bộ, cụ thể đối với từng chợ, từng loại chợ để có những sự đầu tư, hỗ trợ cần thiết

Đức Thắng
.
.
.