Sức xuân trên công trình giao thông trọng điểm

Thứ Tư, 01/02/2012, 15:56
Không khí làm việc trên các công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội như: Cầu đường bộ vành đai III; cầu Nhật Tân; cầu vượt Sơn Tây; cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà; tàu điện trên cao... những ngày này rất nhộn nhịp. Tiếng máy cẩu, máy cắt sắt, máy dầm... tạo ra thứ âm thanh công trường rất điển hình. Đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành kế hoạch đã hối thúc kỹ sư, công nhân thêm hăng say với công việc.

Trên công trường xây dựng cây cầu cạn trên 8km

Dự án đường vành đai III (giai đoạn 2 – làm cầu trên cao) có chiều dài hơn 8km đang ở giai đoạn nước rút. Ngày mùng một Tết, đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng “xông đất” công trường này. Tại đây cán bộ, công nhân liên doanh Shamwan – Cienco 4, đơn vị thi công gói thầu số 1 đã nhận những lời chúc mừng năm mới của tư lệnh ngành Giao thông và hứa hẹn sẽ thực hiện phần việc của mình đúng tiến độ.

Lúc 7h30 ngày 31/1, tại trụ cầu số 143, gói thầu số 5, chúng tôi chứng kiến các kỹ sư, công nhân hối hả làm việc. Công trường bộn bề sắt, thép, đất, cát... và ồn ào tiếng máy móc. Anh Nguyễn Thanh Tâm, Tổ trưởng Tổ thi công thuộc Ban điều hành Cienco 8 cho biết, mấy ngày nay anh em công nhân đang thực hiện việc xây dựng hạng mục trụ cầu số 143.

Mỗi trụ cầu được xây dựng khoảng 20 ngày với khoảng 20 công nhân, cán bộ kỹ thuật. Thực hiện việc xây dựng từ trụ cầu số 136 – 163, khoảng 1 năm nay, anh em công ty đã bám công trường này. Anh Tâm tin tưởng đơn vị mình sẽ đảm bảo tiến độ như cam kết với chủ đầu tư.

Nhóm công nhân gồm các anh An, Hồng, Toán quê Hà Tĩnh thuần thục đưa thép phi 19 vào máy cắt, máy uốn thép. Anh An cho biết với mức lương 7 – 8 triệu đồng tháng, anh dành phần lớn gửi về cho vợ để nuôi hai con. Trong khi đó, anh công nhân tuổi Dần (sinh năm 1986) tên Toán thì cho biết, anh chưa có gia đình riêng.

Tuy còn trẻ nhưng anh Toán cũng có mặt ở khá nhiều công trình xây dựng về cầu đường. Toán kể, anh đã từng có mặt 2 năm ở Kon Tum để xây dựng cầu. Cũng là dân cầu đường chính hiệu, anh Hồng kể từng gắn bó mấy năm trời với công trường xây dựng cầu Cần Thơ. “Ra Tết anh em đều phấn khởi nên làm việc rất hăng hái. Có những hôm đổ bê tông, anh em còn làm cả ca đêm”, anh An cho biết.

Trên công trường cầu vượt trên cao đường vành đai III.

Tại trụ cầu kế bên, chúng tôi nhìn thấy một nhóm 3 công nhân đang bắt vít cây cột tiêu chuẩn. Cây cột này được làm hoàn toàn bằng sắt thép, “vít” mà các công nhân này bắt là những đoạn thép cỡ lớn. Một anh công nhân cho biết, cột tiêu chuẩn được sử dụng để đỡ khi trải bê tông mặt cầu. Anh Hường, quê Thanh Hóa làm bảo vệ ở đây thì tâm sự: “Bảo vệ thì không được nghỉ Tết. Rất nhiều vật liệu, máy móc để ở công trường nên không được lơ là mất cảnh giác”.

Theo kế hoạch đặt ra, cây cầu trên cao có chiều dài trên 8km sẽ hoàn thành trong năm nay. Khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho tuyến đường Nguyễn Xuân Yêm - Nghiễm Xiển - Khuất Duy Tiến – Phạm Hùng (đường vành đai III giai đoạn 1). Là người phụ trách việc đảm bảo giao thông trên đường Phạm Hùng, Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội rất mong dự án cầu trên cao hoàn thành bởi hiện tại, tuyến đường này rất phức tạp về trật tự giao thông.

Đẩy nhanh tiến độ trên cây cầu nối đôi bờ sông Hồng

Từ ngày mùng ba Tết, công nhân đã có mặt trên công trường xây dựng cầu Nhật Tân. Đến hôm nay, có trên 700 công nhân đang xây dựng các hạng mục cây cầu nối đôi bờ sông Hồng, khu vực TP Hà Nội.

Anh Lương Văn Vinh, một lái xe chuyên vận chuyển công nhân ra công trường tâm sự: “Quê em ở Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Em về quê ăn Tết, lên Hà Nội làm việc hôm mùng 6”. Ở công trường xây dựng cầu Nhật Tân hiện có công nhân đến từ khắp các tỉnh phía Bắc. Ngoài ở tại lán trại của công trường, họ còn thuê trọ trong nhà dân khu vực xung quanh xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.

Sáng 31/1 (mùng 9 Tết), ông Đinh Lê Thông, Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án cầu Nhật Tân (Ban Quản lý dự án 85) cho phóng viên Báo CAND biết, phần lớn công nhân nghỉ Tết từ ngày 28, 29 Tết. Hiện tại, tất cả các gói thầu đều được đẩy nhanh tiến độ để thông xe vào cuối năm 2013, đầu năm 2014. Tuy nhiên, trong mấy ngày Tết, trên công trường vẫn duy trì một lượng công nhân để làm công tác chuẩn bị cho thi công sau Tết. Bình thường, công trường xây dựng cầu Nhật Tân có khoảng hơn 1.000 công nhân.

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư 13,6 nghìn tỉ đồng. Theo thiết kế phê duyệt, dự án cầu Nhật Tân thuộc đường vành đai II của TP Hà Nội, bắt đầu từ khu vực phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, vượt sông Hồng (cách cầu Thăng Long gần 4km) sang huyện Đông Anh. Cầu Nhật Tân sẽ nối trung tâm thành phố với các tỉnh phía Bắc và các khu công nghiệp Bắc Thăng Long – Vân Trì, Đông Anh – Cổ Loa, Gia Lâm – Yên Viên, rút ngắn đường từ trung tâm đến sân bay Nội Bài. Đây sẽ là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ góp phần chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Với khí thế lao động khẩn trương trong những ngày đầu năm mới, người dân hy vọng sẽ sớm được đi trên những cây cầu đúng như kế hoạch đặt ra

Cao Hồng - Việt Hà
.
.
.