Sông Ka Long, biên giới Móng Cái, Quảng Ninh: Quá tải

Thứ Sáu, 26/12/2008, 08:40
Trước khi đến Móng Cái, chúng tôi được nghe nhiều người kể về sông Ka Long, con sông ngăn cách nước ta với nước bạn Trung Quốc là con đường chuyên chở hàng hóa xuất nhập chủ yếu qua cửa khẩu tiểu ngạch Ka Long. Khác với tưởng tượng ban đầu, tình trạng ùn tắc, ô nhiễm đang khiến dòng sông oằn mình trong chiếc áo cũ...

Từ quá tải, ô nhiễm...

Kim ngạch XNK qua cửa khẩu Ka Long năm 2007 đạt trên 1,4 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch XNK của toàn bộ 5 cửa khẩu khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh. Chính sự tăng trưởng mạnh của lượng hàng hóa và kim ngạch XNK đã kéo theo các dịch vụ cảng, vận chuyển hàng hóa… tăng theo.

Trọng tải của các con đò cũng tăng gấp nhiều lần, từ dưới 4/10 tấn lên 20, rồi 30, 40 tấn, số lượng đò trên 20 tấn hiện chiếm gần 60%. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhất là vào mùa khô, sông Ka Long thường xuyên bị cạn. Những lúc như vậy, hàng trăm con đò chen chúc nhau trên dòng hẹp.

Chính vì vậy mà UBND TP Móng Cái đã ra quy định từ sau ngày 30/6/2008, đò nào muốn hoạt động trên đoạn sông này phải có giấy phép do chính quyền TP cấp, những đò trọng tải trên 20 tấn không được hoạt động nữa. Tuy nhiên, nhiều bất cập không vì thế mà được giải tỏa hết.

Điều đáng nói là, trong gần 2.000 phương tiện vận chuyển trên, chỉ có một phần nhỏ chủ phương tiện đã có chứng chỉ lái đò. Hầu hết các phương tiện chưa có phao an toàn, chưa được trang bị thiết bị PCCC, cũng như huấn luyện nghiệp vụ PCCC. Công tác quy hoạch, tu bổ nạo vét dòng chảy của sông hằng năm không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.

Việc hàng hóa ách tắc tại khu vực Ka Long kéo dài trong những tháng đầu năm gây thiệt hại cho doanh nghiệp, thất thu cho Nhà nước và ảnh hưởng đến công tác quản lý tại khu vực biên giới là do lượng phương tiện đò quá nhiều, thường xuyên hoạt động trên đoạn sông ngắn, hẹp, phụ thuộc vào sự lên xuống của con nước. Bên cạnh đó, các phương tiện hoạt động chưa có tổ chức là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn trên sông.

Chẳng những thế, vào những ngày nắng nóng, không ít lần người dân địa phương cũng như khách qua khu vực này đều khó chịu do mùi hôi từ sông Ka Long bốc lên. Nguyên nhân do nước thải chưa qua xử lý từ nhiều khu dân cư, các khách sạn nhà hàng, nhà máy công nghiệp của TP Móng Cái và thị xã Đông Hưng (Trung Quốc) "vô tư" thải ra sông.

Cùng đó, dọc theo dòng sông, mỗi ngày hàng trăm lượt thuyền, đò các loại đã xả một lượng không nhỏ dầu mỡ, nước sinh hoạt và cả những chất thải rắn bị rơi vãi xuống. Vì vậy, hàm lượng dầu mỡ và các chất lơ lửng trong nước sông Ka Long có chỗ vượt tiêu chuẩn cho phép. 

Đến tai nạn giao thông, bất ổn về an ninh trật tự

Thượng tá Lê Thanh Bình, Trưởng Công an TP Móng Cái nhận định, tàu thuyền ra vào nhiều, số lượng gia tăng khó kiểm soát nên ngoài việc tai nạn, va quệt trên sông còn có trường hợp chủ tàu đã lợi dụng kẽ hở của cơ quan chức năng cùng lúc đóng tới 2, 3 tàu hạ tải xuống sông hoạt động, mà chỉ đăng ký có một biển kiểm soát.

Trường hợp khác thì phớt lờ quy định về an toàn phòng chống cháy nổ, đã chở đầy khoang chất phôtpho trắng, khi tàu ra giữa dòng gặp nước thì bốc cháy, rất may vụ cháy đó không thiệt hại về người. Khó kiểm soát các phương tiện lưu thông trên sông biên giới cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu trên sông.

Việc quản lý nhân khẩu cũng là một vấn đề không dễ, vì đa phần người lái đò, chủ đò là người dân ở các tỉnh khác đến. Mặc dù từ đầu năm đến nay, trên toàn địa bàn thành phố chỉ xảy ra 2 vụ TNGT đường thủy làm chết 6 người, bị thương 2 người, nhưng so với cùng kỳ năm 2007, số người chết tăng 2 người.

Ngoài ra còn xảy ra 1 vụ rủi ro làm chết 4 người. Ban ATGT đã kiểm tra xử lý tới 247 trường hợp vi phạm về thủy nội địa. Theo Thượng tá Lê Thanh Bình, để tình hình ANTT, ATGT trên sông biên giới Ka Long sớm được lập lại, thì cơ quan chức năng cần có những quy định giám sát chặt chẽ đối với các tàu thuyền qua lại trên sông.

Để làm được điều này, thì ngoài việc thực hiện đúng các quy định bắt buộc về người điều khiển, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy; quy định về trọng tải thuyền dưới 20 tấn, thì sẽ xiết chặt đối tượng có thuyền đang lưu hành. Chẳng hạn như để tàu, thuyền được dừng, đỗ trên phần sông biên giới phải là cư dân biên giới thuộc TP Móng Cái.

Còn ai không phải thì sẽ đỗ ở bãi phía trên khu vực sông biên giới. Khi đó, cơ quan chức năng sẽ chỉ phải căn cứ vào các quy định mà thực hiện, việc giám sát, quản lý các phương tiện, cũng như vấn đề nhân khẩu sẽ bớt phức tạp hơn nhiều...                          

T.Huyền-H.Sen
.
.
.