Sóc Trăng xây dựng nông thôn mới hiệu quả
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NTM giai đoạn 2010 - 2020, đến nay số tiêu chí bình quân là 16,85 tiêu chí/xã (tăng 10,5 tiêu chí so với trước khi triển khai Chương trình, tăng 3,5 tiêu chí so với giai đoạn 1).
Cụ thể, Sóc Trăng có 42/80 xã đạt 52,5% (trong đó có 40 xã đã được công nhận và 2 xã đang lập hồ sơ trình công nhận NTM), tăng 23 xã so với kết thúc giai đoạn 1 (năm 2015). Ước đến cuối năm 2019, có 2 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Các xã còn lại từ 12 - 17 tiêu chí, trong đó 1 xã đạt 17 tiêu chí, 3 xã đạt 16 tiêu chí, 19 xã đạt 15 tiêu chí, 6 xã đạt 14 tiêu chí, 8 xã đạt 13 tiêu chí, 1 xã đạt 12 tiêu chí.
Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, 10 năm qua, Sóc Trăng đã huy động trên 6.000 tỷ đồng để xây dựng NTM. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đầu tư gần 200 tỷ đồng xây dựng hơn 200 công trình NTM. Ðến nay, toàn tỉnh có 32 trong tổng số 80 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 40% số xã của tỉnh, cao hơn bình quân khu vực ĐBSCL.
Một trường học khang trang ở xã nông thôn mới Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). |
Toàn bộ 109 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, trong đó 100 trong tổng số 109 xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 97 trong tổng số 109 trạm y tế có bác sĩ. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT hơn 87%, hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019 thêm 8 xã đạt chuẩn NTM; có 26 xã đạt 15 tiêu chí trở lên, các xã còn lại đạt 13 đến 14 tiêu chí; có ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng đã triển khai thực hiện có hiệu quả “Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM. Các dự án phát triển về lúa, đàn bò, cây ăn trái cùng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như: lúa, rau, cây ăn trái, tôm… đã góp phần đưa giá trị sản phẩm trồng trọt, thủy sản đạt 170 triệu đồng/ha, tăng 30 triệu đồng/ha so với ba năm trước.
Ngoài ra, Sóc Trăng đang thí điểm 15 mô hình HTX kiểu mới, chú trọng đưa cán bộ trẻ về làm việc. Nhờ đó, nhiều HTX hoạt động ổn định, phát huy tính liên kết của mô hình, giúp tăng thu nhập cho các thành viên. Ðến nay, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Sóc Trăng giảm hơn 3%, hộ nghèo đồng bào Khmer giảm hơn 4,5%, thu nhập tăng, đạt mức bình quân 6,48 triệu đồng/người/năm.
Ông Trần Văn Chuyện nhấn mạnh: “Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Sóc Trăng đã đi vào thực chất, hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tỉnh sẽ tập trung triển khai các đề án, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương về khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác làm cơ sở phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Kêu gọi doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Quan điểm của tỉnh là xây dựng NTM phải gắn liền với chương trình xóa đói, giảm nghèo, phải đảm bảo thực chất, hiệu quả bền vững, không chạy theo thành tích”.