Quyết liệt ngăn chặn nạn vận chuyển gia súc, gia cầm lậu
Sau khi tiếp nhận ca trực mới, lúc 20h ngày 9/1, tiếp chúng tôi tại Trạm, chị Đặng Thị Tuyết - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết, hiện nay tình trạng vận chuyển trái phép các loại trứng gia cầm, phụ phẩm, thịt gia súc, gia cầm qua “cửa ngõ” này để vào TP Hồ Chí Minh đã giảm hẳn so với những năm trước đó. Nếu như trước đây, các đối tượng thường ngụy trang các loại phụ phẩm, thịt, trứng… vi phạm trong các loại xe tải, xe khách, taxi, xe buýt… khá phổ biến, thì nay các phương tiện này không được sử dụng nhiều nữa mà các loại trứng, thịt đã được vận chuyển bằng xe chuyên dùng nhiều.
Hoặc trước đây, có vụ kiểm tra phát hiện có đến 3 - 4 tấn gà chết, heo thối, phụ phẩm ôi… thì nay không có những vụ như vậy… Nói về nguyên nhân kéo giảm tình trạng vận chuyển trái phép, chị Tuyết giải thích: Hiện nay, trên các xe buýt, xe khách liên tỉnh đều có dán công khai, trực tiếp số điện thoại đường dây nóng của ngành thú y. Vì vậy, có nhiều hành khách khi phát hiện trên xe có chở thịt, trứng thì họ nhắn tin vào số điện thoại của cán bộ ngành thú y về số xe, đoạn đường mà xe vi phạm đang tới… Nhờ sự phối hợp nhiệt tình của người dân mà các xe vi phạm đã bị chặn và bắt giữ kịp thời.
Thịt gia súc vận chuyển trái phép bị bắt giữ tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức. |
Cũng từ khi có số điện thoại đường dây nóng dán trên xe, các tài xế cũng không dám liều lĩnh vận chuyển hàng trái phép như trước. Ngoài ra, hiện nay hệ thống kiểm tra ATVSTP đều có tại các quận, huyện ở địa bàn TP Hồ Chí Minh nên bên trong (quận, huyện) kiểm tra chặt, còn bên ngoài “cửa ngõ” thì Trạm kiểm dịch cũng kiểm soát quyết liệt nên cũng đã đẩy lùi vấn nạn này.
Mặc dù tình trạng vận chuyển trái phép đã giảm hẳn nhưng những đối tượng vẫn còn lén lút đưa “hàng” qua Trạm với thủ đoạn rất tinh vi như: Trứng cút không có kiểm dịch được chất giữa thùng xe tải, còn chất xung quanh thùng xe toàn bộ là cám bao; Hoặc thùng xe tải được thiết kế thêm một khoang đựng toàn trứng, bên trên chất các loại hàng hóa khác; Có trường hợp trong khoang hành lý xe khách, phía đầu xe thì chất những bao củ kiệu nhưng phần đuôi xe thì chất đầy heo sữa. Khi bị kiểm tra, tài xế chỉ mở cửa khoang hành lý có chứa củ kiệu để kiểm tra, nếu lực lượng kiểm tra không tinh ý thì rất khó phát hiện heo sữa cất giấu ở phía sau xe. “Mặc dù thủ đoạn của các đối tượng có tinh vi đến đâu nhưng bằng biện pháp nghiệp vụ thì lực lượng kiểm tra vẫn phát hiện được”, chị Tuyết khẳng định. Chính vì vậy mà nhiều vụ vận chuyển thịt bệnh, thịt thối đã bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Theo quy trình, từ khoảng tầm 1 – 3h sáng là xe chở thịt gia súc, gia cầm cho các công ty; sau 3h sáng là “cao điểm” xe chở “hàng” đưa vào TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Xác định “điểm nóng” các đối tượng vận chuyển hàng lậu thường xuất hiện để “chẻ” hàng, né trạm kiểm dịch là từ ngã ba 621 đến cầu Đồng Nai, khoảng 3h ngày 10/1, chị Tuyết cùng cán bộ ở Trạm kiểm dịch chạy xe dọc quốc lộ 1A xuôi về cầu Đồng Nai để cùng với các lực lượng trong tổ công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm (QLTT, CSGT Rạch Chiếc…) truy bắt hàng lậu.
Đến 3h30, tại tuyến quốc lộ 1A (đoạn ngã ba 621 hướng từ Đồng Nai vào TP Hồ Chí Minh), tổ công tác phát hiện xe tải BKS 60F-3813 do ông Trần Thế Ngân làm tài xế đang vận chuyển sản phẩm động vật. Ông Ngân không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng nên Tổ công tác đã yêu cầu ông Ngân vận chuyển lô hàng trên vào Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức để giải quyết. Khi mở cửa xe, hàng trên xe gồm có 119kg phụ phẩm heo, 247kg thịt heo pha lóc được đựng trong các túi nilon màu trắng để trực tiếp trên sàn xe không vật chứa đựng. Sau khi phát hiện vụ vi phạm này, tổ công tác tiếp tục kiểm tra việc vận chuyển hàng lậu cho đến sáng