Quy hoạch ĐBSCL lấy con người làm trung tâm
Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đóng góp trên 12% cho GDP cả nước. Riêng nông nghiệp chiếm 34,6% GDP toàn ngành, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của vùng vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. |
ĐBSCL còn khá nhiều thách thức tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu, dần chuyển đổi mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chú trọng số lượng sang cải thiện mạnh mẽ chất lượng.
Đây thực sự còn là cơ hội mang tính “thiên thời”, đúng thời điểm đang xây dựng quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh với cách tiếp cận mới, tầm nhìn chiến lược mới để sắp xếp lại không gian phát triển, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm mở toang cánh cửa để đón nhận các dòng đầu tư từ các thành phần kinh tế, trong nước và quốc tế để phát triển vùng ĐBSCL một cách nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu dự hội nghị thảo luận, cho ý kiến để làm rõ hơn, khả thi hơn các nội dung của dự thảo quy hoạch trong đó tập trung thể hiện cho được các quan điểm mang tính cốt lõi của quy hoạch vùng ĐSBCL. Quan điểm xuyên suốt trong cả giai đoạn tầm nhìn của quy hoạch, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến.
Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân chia sẻ một số vấn đề cốt lõi đối với phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL. |
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, tập trung thảo luận 3 nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề quy hoạch vùng ĐSBCL.
Một là nhận diện rõ các cơ hội chính, động lực chính để tạo nên sự phát triển đột phá của vùng ĐBSCL. Hai là định vị vai trò, vị thế của vùng trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh và trong bối cảnh quốc tế, cụ thể là khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông. Ba là sự phù hợp của các định hướng, giải pháp về phát triển ngành lĩnh vực có thế mạnh của vùng, định hướng tổ chức không gian phát triển, kết cấu hạ tầng, khai thác sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước với đặc điểm, điều kiện đặc thù của vùng ĐBSCL, quan điểm phát triển thuận thiên của Nghị quyết số 120 và tính thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc xử lý các xung đột mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
“Với ý nghĩa là quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn xây dựng bản quy hoạch có chất lượng cao, phấn đấu trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng, để làm kinh nghiệm cho các quy hoạch vùng khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.