Quản lý vận tải container – lời giải hiệu quả
Để góp tiếng nói vào việc quản lý có hiệu quả trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng xe container, Báo CAND thực hiện loạt bài “Vận tải bằng xe container - quản lý như thế nào cho hiệu quả”.
Bài 1: Phương tiện chủ lực chở hàng từ cảng biển
Thực tế cho thấy, thời gian qua, hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe container đã đóng góp đáng kể vào quá trình giao thương hàng hóa, nhất là tại các khu vực có cảng biển, ga tàu, khu công nghiệp – chế xuất hoạt động. Việc phát huy hơn nữa vai trò của loại hình vận tải này đang cần được sự lưu tâm của các ngành, các cấp.
Nhộn nhịp hoạt động vận tải bằng xe container
Có mặt tại khu vực cảng Cần Thơ vào những ngày này, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của các công nhân viên ở nơi đây, hoạt động vận tải hàng hóa bằng container diễn ra khá nhộn nhịp.
Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc cảng Cần Thơ cho biết, có đến hơn 2/3 trong số 30 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải trung chuyển qua các cảng của TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, chiếm tỷ lệ lớn trong số này là hàng đóng container. Container nhiều, nhưng việc vận chuyển hàng hóa ra vào cảng vẫn phải phụ thuộc chính vào xe đầu kéo chạy trên đường bộ do hệ thống cảng sông, bến thủy nội địa chưa phát huy được vai trò chủ đạo. Lý do khiến xà lan khó cạnh tranh với xe đầu kéo ngoài việc kết nối giữa cảng sông và cảng biển rời rạc. Hầu hết các tuyến đường thủy nội địa đều không đồng cấp, kinh phí dành cho việc nạo vét thiếu trầm trọng nên không kết nối… Vì vậy đến nay vẫn không có quy định nào bắt buộc các chủ hàng, chủ cảng hay đại lý tàu biển phải vận chuyển container bằng đường thủy nội địa hoặc đường sắt. Cứ theo đà tăng trưởng về hàng hóa đóng container như hiện nay, số lượng xe đầu kéo vận chuyển container ra vào cảng không ngừng tăng lên.
Mật độ xe container dày đặc trên tuyến đường ra vào cảng tại TP Hồ Chí Minh. |
Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, số đầu xe container tập trung về khu vực này đã lên tới 12.000 xe. Khi còn chưa có loại hình vận chuyển container nào khả dĩ hơn để thay thế, xe đầu kéo đang đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa giữa cảng và các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng như các nhà máy xí nghiệp, doanh nghiệp.
Với các hoạt động xuất nhập khẩu nông – lâm, thủy hải sản tiểu ngạch bằng đường bộ, hàng ngày cũng có cả ngàn đầu xe kéo chở hàng hóa đóng container, chạy từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận tỏa ra các địa phương hoặc các cửa khẩu quốc tế ở khu vực miền Trung và miền Bắc. Lượng xe kéo container chạy xuyên Việt bằng đường bộ trên quốc lộ 1A cũng góp phần không nhỏ vào việc xuất khẩu, thông thương hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất từ đồng bằng sông Cửu Long.
Đến cảng Hải Phòng, chúng tôi chứng kiến hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe container diễn ra nhộn nhịp. Hải Phòng hiện có gần 40 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển và trên 50 kho bãi các loại, nằm rải rác trên địa bàn. Dù tốc độ phát triển cảng ở khu vực Hải Phòng tương đối nhanh, nhưng doanh nghiệp ở đây chưa mạnh dạn đầu tư các cảng lớn và đồng bộ như ở TP Hồ Chí Minh. Mặt khác, hệ thống kho bãi của khu vực Hải Phòng hiện đang phát triển tràn lan. Chỉ một số kho bãi có quy mô tương đối lớn như bãi cảng Hải Phòng (52ha), bãi cảng Đình Vũ (20ha), Vietrans (20ha), Green Port (15ha), Tasa Duyên Hải (12ha). Phần lớn số bãi còn lại chỉ có diện tích từ 0,5 - 2 ha.
Cả hệ thống bãi này chỉ có chung một đường trục nhỏ làm lối ra vào. Thế nên, dù sản lượng toàn hệ thống cảng Hải Phòng đã vượt quá 34 triệu tấn/năm, thì Hải Phòng vẫn chỉ là cửa ngõ miền Bắc, chứ chưa đóng vai trò cảng trung chuyển hàng hóa của toàn khu vực phía Bắc. Và chưa có nhà đầu tư tầm cỡ khu vực, thế giới nào về cảng nào như PSA (Singapore), HIT (Hongkong) tham gia đầu tư các cảng lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc hiện đại hóa hoạt động dịch vụ vận tải, kho bãi của Hải Phòng nói chung, khai thác cảng container nói riêng, đồng bộ và tương thích với khu vực và thế giới liệu yêu cầu cấp bách với các nhà hoạch định chính sách để tổ hợp cảng ở khu vực Hải Phòng kết nối được với hệ thống thông tin của các cảng biển và các hãng tàu trên thế giới.
Cần tiếp tục phát huy hiệu quả từ xe container
Tại Đà Nẵng, tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết: Sở đã kiểm tra, cấp giấy phép cho 103 doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container với số lượng 950 xe, chiếm hơn 80% số xe đầu kéo đăng kiểm tại địa phương.
Thông qua các hiệp hội vận tải ôtô trên địa bàn, Sở GTVT Đà Nẵng thường xuyên tuyên truyền, vận động sự tự giác của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của nhà nước, trong đó bao gồm việc đăng ký cấp phép kinh doanh tại Sở. Theo định kỳ, Sở sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát danh mục các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này. Sau đó, sẽ phối hợp với Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng để xác minh số doanh nghiệp đã đưa phương tiện đi vào hoạt động nhưng chưa đăng ký cấp phép tại Sở GTVT Đà Nẵng để kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, hoạt động vận tải hàng hóa bằng container đem lại rất nhiều hiệu quả. Trên thế giới, loại hình vận tải này cũng được nhiều nước sử dụng trong việc vận chuyển, giao thương hàng hóa, đặc biệt là đối với các mặt hàng đã được đóng theo thùng container. Việc đóng thùng hàng container là rất hiệu quả vì nó được vận chuyển theo nhiều loại hình vận tải như: tàu biển, tàu hỏa, ôtô v.v…
Chỉ cần một loại hình vận chuyển, số hàng trên sẽ được chuyển từ nơi cung cấp đến nơi tập kết, tiêu thụ. Hình thức vận chuyển bằng container này khá phổ biến trên thế giới trong hoạt động vận tải và “thâm nhập” vào Việt Nam đã được hơn 10 năm. Những năm qua, một số tỉnh phát triển mạnh mẽ về loại hình vận tải bằng container, xe siêu trường phải kể đến như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh… Đây là những tỉnh, thành có nhiều cảng biển, ga tàu, khu công nghiệp hoạt động.
Nhìn vào thực tế trên cho thấy, việc phát huy hiệu quả của hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe container là vấn đề đáng bàn không của riêng cơ quan chức năng nào. Bởi, hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe container đã và đang góp phần quan trọng vào hoạt động thông thường từ các cảng biển, ga tàu vào nội địa và ngược lại.
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, trong những năm gần đây, tăng trưởng về số lượng container xuất nhập khẩu đạt mức 8%. Hàng hóa xuất nhập khẩu đóng container tăng mạnh ở một số cảng trên toàn quốc như: Cảng Hải Phòng, cảng Đình Vũ (TP Hải Phòng); cảng Đà Nẵng, Cảng Kỳ Hà (TP Đà Nẵng); cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) và Tân Cảng - Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Bình quân mỗi năm đã có hơn 7,2 triệu container hàng hóa thông qua 59 cảng biển thuộc Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, trong đó lượng container tập trung đến 66% ở các cảng thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh. Riêng cảng chuyên dụng container Cát Lái đã có gần 2,6 triệu container thông qua trong năm 2012, chiếm trên 80% lượng container hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực TP Hồ Chí Minh và chiếm tới 40% sản lượng làm hàng hóa bằng container của cả nước. |