Phát triển thị trường vốn đòi hỏi tính minh bạch, chuyên nghiệp

Thứ Tư, 31/03/2021, 06:45
Tại diễn đàn “Phát triển thị trường vốn- Cơ hội trong kỷ nguyên mới”, TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã có sự phát triển vượt bậc so với những năm đầu mở cửa, nhưng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất thấp; mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường còn kém làm cho mức biến động trên thị trường cao.


Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước, qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước.

Con người và công nghệ là 2 đột phá cho sự phát triển tới đây trên thị trường vốn Việt Nam.

Đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm tại đa số các doanh nghiệp nhà nước, là nguyên nhân của tình trạng kém hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. “Dư địa phát triển thị trường vốn-chứng khoán Việt Nam còn rất lớn, nhất là cung hàng hóa từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Giai đoạn 2016-2020, với tinh thần quyết liệt, đã nâng lên 11% vốn Nhà nước được chuyển ra thị trường, dư địa còn 89%, ở khía cạnh cổ phần hóa, tái cấu trúc là không thành công, nhưng về mặt thị trường thì vẫn còn dư địa 89% vốn Nhà nước cung cấp cho thị trường chứng khoán, để tăng cường thêm doanh nghiệp niêm yết và mở rộng sản phẩm, ngành hàng cho thị trường”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cho rằng, 20 năm qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc nâng hạng TTCK không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng.

Về phía DN, ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hapaco, DN đầu tiên của miền Bắc niêm yết trên thị TTCK Việt Nam cho biết, trước đây các DN chỉ có một cửa duy nhất là huy động vốn qua ngân hàng.

Từ khi thị trường chứng khoán mở ra, Hapaco và rất nhiều DN khác đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư đại chúng, từ đó, mở rộng đầu tư, mở rộng cổ đông, đối tác, mở rộng quy mô thị trường. Như Hapaco từ 1,08 tỷ đồng đến nay vốn chủ sở hữu đã tăng trên 100 lần, đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Ở góc nhìn của chuyên gia độc lập, TS Cấn Văn Lực đánh giá, cơ hội phát triển cân bằng thị trường vốn Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, kỷ nguyên mới đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý. “Con người và công nghệ là 2 đột phá cho sự phát triển tới đây trên thị trường vốn Việt Nam. Ngoài ra, tính minh bạch, chuyên nghiệp phải được coi là kim chỉ nam của thị trường vốn”. TS Cấn Văn Lực dự báo.

Lưu Hiệp
.
.
.