Phát triển Thủ đô bền vững theo hướng đô thị xanh
Phấn đấu “lấp đầy” 43 cụm công nghiệp
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 là một nội dung quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17 và 10 chương trình của Thành ủy nhiệm kỳ 2021-2025. Ông đề nghị, các đại biểu tiếp tục góp ý, hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch trước khi xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, các doanh nhân và nhân dân Thủ đô để Cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp trình HĐND TP ban hành.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, mục tiêu tổng quát của dự thảo kế hoạch là đến năm 2025, xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người/năm đạt 8.300-8.500 USD.
Tại hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, về lĩnh vực phát triển công nghiệp, trong giai đoạn 2021-2025, TP tập trung các công việc, giải pháp nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Trong Chương trình 02 của TP, kế hoạch 5 năm đã đưa ra mục tiêu phát triển mới, phát triển 2-3 khu công nghiệp; hoàn thành, khởi công trong giai đoạn này 43 cụm công nghiệp; phát triển, xây dựng, thành lập mới thêm 46 cụm công nghiệp nữa để đạt trên địa bàn TP đủ 159 cụm công nghiệp theo kế hoạch đã đưa phê duyệt. Nếu lấp đầy 43 cụm công nghiệp, thành lập mới 46 cụm công nghiệp, Hà Nội sẽ có gần 100 cụm công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025, sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, kể cả doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI.
Mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của Thủ đô sẽ theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại. |
“Hút” 35 triệu khách du lịch năm 2025
Đối với ngành du dịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, với các chỉ tiêu đặt ra ngành du lịch tiếp tục phấn đấu đạt mức cao nhất là 35 triệu khách đến năm 2025 với tổng doanh thu trên 150 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu này đặt ra để ngành du lịch tiếp tục phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch, mặc dù năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khó khăn nhưng ngành quyết tâm để đạt mục tiêu đặt ra. Trong đó, để đạt mục tiêu này thì điều kiện bảo đảm là môi trường an toàn, đặc biệt là trong phòng, chống dịch COVID-19. Ngành du lịch đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ tạo được đà tăng trưởng.
Theo đó, ngành tập trung tạo ra sản phẩm độc đáo cho du lịch, sản phẩm chủ lực mới, phát triển hạ tầng kết nối du lịch; tận dụng cơ hội của 5 năm trước để phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số. Ngành du lịch đăng ký thực hiện tiên phong chuyển đổi số, phát triển du lịch ban đêm, tạo ra sản phẩm du lịch về đêm để tăng doanh thu, tập trung đổi mới công tác truyền thông trên các kênh thông tin... để đạt mục tiêu thu hút 35 triệu khách du lịch đến Thủ đô đến năm 2025.
Về phía các quận, huyện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận Hoàn Kiếm là địa bàn có số lượng nhà hàng, khách sạn lớn, những năm qua có đóng góp hiệu quả cho ngân sách TP. Hiện nay, quận đang tập trung cho quy hoạch, củng cố lại chức năng các khu vực, phối hợp với các sở, ngành phát triển du lịch, trong đó có phát triển kinh tế đêm, tổ chức các phố đi bộ, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các phố nghề, cải tạo hạ tầng...
Là một trong những quận “lõi” đang phải đối mặt nhiều vấn đề đô thị, đại diện quận Hai Bà Trưng kiến nghị hoàn thành các quy hoạch phân khu trong năm 2021 và sớm đẩy nhanh việc cải tạo chung cư cũ để đảm bảo đời sống người dân; xác định rõ nguồn lực, tiến độ thời gian thực hiện… Đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu được Thường trực Thành ủy xác định rõ và sẽ quyết tâm thực hiện bằng được trong nhiệm kỳ.
Nêu một số vấn đề quan trọng trong dự thảo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nhắc nhở Sở KH&ĐT cập nhật một số dữ liệu mới trong dự thảo kế hoạch. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng Thủ đô, đi qua Hà Nội – Hưng Yên – Bắc Ninh; củng cố đầu tư mạnh về đường sắt đô thị; tìm kiếm nguồn lực đầu tư của nước ngoài và hệ thống các vùng phát triển…
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông phát biểu, yêu cầu cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh thành, hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ cao hơn việc đầu tư các tuyến đường trong nội thành rất tốn kém trong công tác giải phóng mặt bằng.