Phải tiêu “của để dành” là nỗi khổ của công nhân, người lao động

Chủ Nhật, 25/04/2021, 09:14
Tính từ đầu năm 2021 đến nay đã có hơn 226 nghìn lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần (tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020). Con số từ năm 2014 đến này là 3,7 triệu người. Bình quân mỗi năm, có khoảng 600 nghìn người hưởng BHXH một lần và rời khỏi hệ thống BHXH.

Đây là con số thực sự đáng lo ngại vì ảnh hưởng tới quyền lợi lâu dài của người lao động, đồng thời cũng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới quỹ BHXH. Vì sao họ không chờ lương hưu mà lại “lấy một cục”, chính sách BHXH cần phải có những điều chỉnh như thế nào cho phù hợp?

Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

PGS.TS Vũ Quang Thọ.

PV: Lượng người lĩnh BHXH một lần tăng rất nhanh. Đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay, theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Có thể chưa đầy đủ, nhưng theo tôi nguyên nhân đầu tiên phải nhắc đến là do diễn biến đại dịch COVID-19 diễn ra và kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay. Do ảnh hưởng của dịch nên không ít người lao động không duy trì được việc làm. Họ phải chấm dứt quan hệ lao động với doanh nghiệp để về quê  tìm công ăn việc làm khác. Dù chỉ là tìm công ăn việc làm tạm thời nhưng vẫn còn duy trì được cuộc sống. Người dân ta từ xưa đến nay vẫn phải sống ngày nào làm ngày đó, không có tích tũy. Vì phải tìm việc làm khác nên người ta cũng phải chấm dứt quan hệ đóng và nộp BHXH

Nguyên nhân thứ hai là nhiều công nhân lao động cho rằng, nếu họ có gắn với doanh nghiệp, họ cũng không có tương lai. Đầu tiên là tương lai việc làm, thứ hai là tương lai về BHXH. Họ khó có thể theo đến vài chục năm nữa để được hưởng lương hưu. Tâm lý như thế nên họ lĩnh BHXH một lần. Điều này là rất rõ và đã thực sự xảy ra ở nhiều doanh nghiệp. Mới ngày hôm qua, tôi còn dự một hội thảo về công đoàn và cũng đã có những ý kiến như thế này nêu ra. Và đây cũng đang là thách thức lớn đối với tổ chức công đoàn Việt Nam hiện nay.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về thách thức này?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Công đoàn Việt Nam hiện nay có đến hơn 15 triệu công nhân lao động. Vì thế giữ được số này và bảo đảm việc làm cho họ là không đơn giản. Cùng với đó là phải bảo đảm được khả năng đóng BHXH cho họ là tương đối khó. Đây thực sự là vấn đề lớn. Nếu không giữ được việc làm cho số lượng lớn người lao động này, họ phải về quê thì chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng thiếu và đói. Bởi vì từ trước đến nay công nhân lao động của chúng ta có tích lũy đâu. Cả hai vợ chồng đi làm cũng chỉ đủ ăn, nuôi con, thuê nhà… Tôi cho rằng, nếu không giữ được việc làm cho họ, chẳng may họ gặp phải một cú sốc nữa như là ốm đau thì chắc chắn sẽ rơi vào tình cảnh đói. Điều này công đoàn phải nghĩ đến

PV: Thực trạng người lao động rời bỏ hệ thống BHXH hiện nay rất đáng phải suy nghĩ. Không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống, mức độ bao phủ của BHXH mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của người lao động nữa. Theo ông, người lao động khi nhận BHXH một lần này thì sẽ thiệt thòi gì và ảnh hưởng thế nào đến an sinh xã hội?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Đầu tiên phải nhắc, khi người lao động nhận BHXH một lần thì cuộc sống chắc chắn sẽ rất khó khăn. Tôi nói ở đây là cả cuộc sống trước mắt cũng như trong tương lai ngắn. Bởi vì anh biết, số tiền nhận BHXH một lần không nhiều, nếu họ không giữ được thì tiêu vào việc khác. Ví dụ có người rút về rồi đóng tiền học cho con, mua một vài vật dụng trong gia đình thế là hết. Trước mắt có thể là dư dả nhưng lại đánh đổi cả quãng đường dài sau khi không còn khả năng lao động.

Nhận BHXH một lần đúng là mất mát nhiều lắm. Mất lương hưu, mất bảo hiểm y tế, mất đi “của để dành” để đối diện với một tương lai đầy bất trắc, trở thành gánh nặng. Có chút tích lũy cho cuộc sống sau này khi không còn khả năng lao động thì lại rút ra một lần tiêu hết rồi thì cuộc sống lúc về già của họ ai cũng có thể đoán được. Một số lượng lớn người trong tình cảnh như thế sẽ tạo áp lực không nhỏ đến an sinh xã hội. Đó cũng là nỗi khổ của công nhân lao động chúng ta. Họ đi làm công nhân, coi như là đi vào công nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Thế nhưng khi đi ra khỏi công nghiệp cũng vẫn là hai bàn tay trắng.

Đấy là tôi còn chưa đề cập đến  Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra. Bối cảnh này sẽ còn không ít lao động của chúng ta mất việc làm. Không có công ăn việc làm, không có tích lũy thì sẽ trở thành gánh nặng lớn cho hệ thống an sinh xã hội, cho Nhà nước sau này. Họ cũng như chúng ta, không ai muốn lấy “của để dành” về tiêu sớm như vậy, vấn đề này không còn mới, và đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước phải làm rõ được câu hỏi: Vì sao như vậy?

PV: Không ít ý kiến hiện nay đang nói rằng, một phần khách quan là do dịch bệnh, còn lại là do chính sách BHXH hiện nay chưa linh hoạt mới dẫn đến tình trạng số người lao động nhận BHXH một lần tăng cao?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Điều này là đương nhiên. Không chỉ chưa linh hoạt mà theo tôi thậm chí còn khô cứng, nó làm cho quỹ BHXH ngày càng teo đi, không có sự bồi đắp. Tại sao thế? Quan điểm của tôi là ngoài việc người lao động nộp tiền vào quỹ, người giữ quỹ phải có trách nhiệm nhân cái quỹ này lên. Có nghĩa là đồng tiền người lao động đóng vào không phải là đồng tiền chết. Số tiền đó sinh sôi thì quỹ mới dư dả. Thế nhưng chúng ta lại chưa làm được thế. Người giữ quỹ thì không đầu tư, hoặc giả có đầu tư thì hiệu quả thấp. Một bộ phận lớn doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh đang thiếu vốn, không có cách nào để vay, mà tiền người lao động đóng vào quỹ cứ năm im đó. Tôi cho rằng đây cũng là cái khó của người quản lý quỹ BHXH.

PV: Ý tôi muốn đề cập đến nữa là chính sách BHXH phải linh hoạt ở chỗ tính toán thời gian đóng hưởng thế nào cho phù hợp với người lao động. Chứ mà cứ phải đóng đủ 30 năm thì mới được hưởng thì rất khó cho không ít người lao động có thể theo được. Ông có thể nói thêm về ý này?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Vấn đề này cũng đã được ngành LĐ-TBXH, cũng như BHXH Việt Nam đề cập rồi nhưng vẫn chưa có phương án cụ thể. Để giảm việc hưởng BHXH một lần, cần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và bảo đảm đời sống của người lao động. Chính sách BHXH cần điều chỉnh làm sao để tăng lợi ích và tính hấp dẫn, chẳng hạn như người ta từng đưa ra ý kiến là giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm. Hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội khác). Qua đó góp phần tăng thêm cơ hội cho người lao động có thể tiếp tục tham gia đóng góp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

PV: Từng có thời gian rất dài công tác trong tổ chức Công đoàn Việt Nam, các ông đã khi nào đề xuất điều chỉnh chính sách BHXH để người lao động sẽ cân nhắc khi có ý định nhận BHXH một lần, vừa là để ổn định quỹ, vừa là để người lao động có cuộc sống sau này đỡ vất vả, không tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Chúng tôi cũng đã có nghiên cứu và đề xuất nhưng nó cũng chưa phải là cơ bản, lâu dài. Thứ nhất là tỷ lệ đóng BHXH phải tính thế nào lại để những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp hăng hái tham gia được. Chúng tôi cũng đã có những khảo sát về việc công nhân lao động phải trích tiền ra để đóng BHXH, hoặc chủ doanh nghiệp nói rằng lương tháng này chúng tôi đã trừ đi bằng này để đóng BHXH thì người ta rất tiếc. Người ta tiếc vì không ít người đến giờ vẫn chưa hiểu người ta đóng như thế nhưng sau này người ta sẽ được hưởng như thế nào. Giờ chỉ biết đóng đã nên người ta mới xót. Thứ hai là BHXH chưa tuyên truyền, vận động đủ để người lao động thấy rằng BHXH sẽ là tương lai rất lớn, rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống của họ.

Còn về mặt số năm đóng thế nào, tỷ lệ đóng ra làm sao, đối tượng lao động này đóng bao nhiêu phần trăm, tùy từng đối tượng lao động mà có mức đóng hưởng cụ thể thì cần phải có những nghiên cứu cụ thể. Cái này các chuyên gia về BHXH cần phải tính toán kỹ, tôi không thể đưa ra những con số cụ thể được. Tuy nhiên, tính toán kiểu gì thì cũng phải hướng đến người lao động để trong khoảng 10 đến 20 năm nữa người lao động có một khoản được hưởng từ BHXH đủ để người ta bảo đảm được cuộc sống ít nhất ở mức tối thiểu. Nói là ít nhất ở mức sống tối thiểu là bởi đời sống của chúng ta còn thấp chứ nhiều nước người ta nhận tiền từ BHXH này người ta còn sống đàng hoàng được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.