Phải thận trọng khi thực hiện các dự án thuỷ điện nhỏ
Trong khi ngành Điện muốn xây dựng thêm thì các chuyên gia thuỷ lợi lại có quan điểm khác về điều này và cho rằng, đã đến lúc, Việt Nam cần có lộ trình chấm dứt thuỷ điện nhỏ vì những hệ luỵ mà nó mang lại.
GS Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay, quy trình vận hành của thuỷ điện nhỏ hoàn toàn trái ngược với thuỷ lợi, không đảm bảo yêu cầu tưới tiêu và chống lũ. Thuỷ điện nhỏ thực hiện chế độ điều tiết theo ngày, vào mùa khô thường tích nước phát điện, khi đó hạ du sẽ khô hạn. Về mùa lũ, nếu mấy trăm thuỷ điện cùng xả thì sẽ gây lũ chồng lũ.
Luật Thủy lợi đã được thông qua, theo đó, nếu vận hành thuỷ điện làm ảnh hưởng tới nguồn nước cho thuỷ lợi thì ngành nông nghiệp được phép có ý kiến. "Nếu đưa vào hoạt động cả nghìn thuỷ điện nhỏ có thể sẽ mang lại chút lợi ích về kinh tế. Nhưng hậu quả của nó là gì? Thuỷ điện nhỏ sẽ làm mất nguồn nước cho nông nghiệp và dân sinh. Khi thuỷ điện Hố Hô gặp sự cố, chính Bộ Công Thương nói cần xem lại các thuỷ điện nhỏ. Tôi cho rằng, Bộ Công Thương cần bàn bạc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rồi trình Quốc hội trước khi đưa ra quyết định" – GS Hồng nói.
Là chuyên gia kì cựu trong lĩnh vực thuỷ lợi, GS Hồng cho rằng, thế giới đang phá dần thuỷ điện, từ thuỷ điện nhỏ đến thuỷ điện vừa, để trả lại nguồn nước cho người dân. Việt Nam cũng chỉ nên giữ lại các thuỷ điện lớn, nếu thiếu điện thì dùng năng lượng tái tạo. Riêng sông Hồng đã có 8 thuỷ điện của Trung Quốc giữ nước. Nếu sông Lô mở thêm nhiều thuỷ điện thì sông Hồng không còn nước. Nếu Lai Châu, Sơn La cũng làm thuỷ điện thì nguồn nước cho sông Lô, sông Đà cũng cạn kiệt.
GS Hồng bày tỏ: "Việt Nam cần phải xem xét tới xu thế của thế giới. Chính phủ cần có lộ trình chấm dứt thuỷ điện nhỏ. Với những thuỷ điện nhỏ đang hoạt động, Chính phủ cần đưa ra lộ trình 10-20 năm rồi chấm dứt để chủ đầu tư thu hồi vốn, đồng thời có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ giá điện, kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi suất vay...".
GS Hồng nói thêm: "Sai lầm lớn nhất của chiến lược thuỷ điện tại Việt Nam là xã hội hoá. Chưa có nước nào làm như vậy. Thuỷ điện là đụng đến nguồn nước quốc gia nên Nhà nước phải nắm. Còn ở Việt Nam, phần lớn thuỷ điện nhỏ do tư nhân đầu tư, nên không quan tâm nhiều tới vấn đề môi trường, bảo vệ rừng, thủy lợi..., trong khi khả năng giám sát của cơ quan chức năng còn hạn chế. Trong khi thuỷ điện lớn có dung tích phòng lũ thì thuỷ điện nhỏ chỉ chăm chăm phát điện để mau thu hồi vốn. Để bù lượng điện thiếu hụt từ các thuỷ điện nhỏ, chúng ta có thể gia tăng công suất của các thuỷ điện lớn".
Về điều này, TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) khẳng định, sản lượng của thuỷ điện nhỏ rất ít, không đóng góp được bao nhiêu vào nguồn điện quốc gia. Trong khi đó, các thuỷ điện nhỏ lại chủ yếu được xây dựng ở vùng sâu, vùng xa, nếu làm không cẩn thận sẽ dẫn đến phá rừng nghiêm trọng, huỷ hoại hệ sinh thái.
"Vừa rồi, tỉnh Quảng Nam đề xuất làm 4 thuỷ điện, chiếm hơn 140 ha rừng, thế thì rừng bị tàn phá hết. Trên thế giới, thuỷ điện nhỏ chỉ là những công trình hướng dòng. Còn ở Việt Nam, cách làm thuỷ điện nhỏ chưa đúng. Nói là thuỷ điện nhỏ nhưng không hề nhỏ, cũng làm hồ chứa, cũng phá rừng. Chúng tôi đã đấu tranh rất nhiều vào năm 2013 để Quốc hội cho dừng hơn 400 thuỷ điện nhỏ. Hiện nay, chúng ta đã phát triển nhiệt điện rất nhiều rồi, giờ lại còn muốn làm thêm thuỷ điện nhỏ nữa thì coi như thượng nguồn, hạ nguồn đều bị ảnh hưởng và mất cân đối" – TS Tứ phân tích.
Trước đó, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đưa ra đề xuất phát triển thêm các thuỷ điện vừa và nhỏ còn tiềm năng để bổ sung nguồn điện năng thiếu hụt sau khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã dừng lại. Theo tính toán của ông Ngãi, nếu cho khai thác thêm 300 - 400 dự án thủy điện vừa và nhỏ nữa thì tổng công suất của nguồn thủy điện này sẽ đạt khoảng 3.000MW đến 4.000MW, hằng năm cung cấp khoảng 20 tỷ kWh bổ sung vào hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, đề xuất này đang trái ngược với quan điểm chung hiện nay về vấn đề phát triển thủy điện nhỏ, sau hàng loạt hệ lụy. Thực tế, trong 4, 5 năm qua, Bộ Công Thương đã liên tục có báo cáo Quốc hội về vấn đề rà soát thủy điện nhỏ và loại bớt ra khỏi quy hoạch các dự án được đánh giá là không hiệu quả và gây ảnh hưởng đến môi trường.
Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân chiều 3-8, ông Đỗ Đức Quân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, quan điểm chung về vấn đề thủy điện nhỏ là hạn chế, thận trọng khi thực hiện các dự án này, đặc biệt là tuyệt đối không làm những thủy điện có công suất dưới 3 MW. Riêng với các dự án thủy điện nhỏ, thẩm quyền quyết định thuộc về địa phương, nhưng vẫn phải gửi hồ sơ để Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch.
Tất nhiên, trước khi thực hiện bước đưa vào quy hoạch sẽ có thẩm định cụ thể về tác động của dự án, như hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường địa phương, tác động đến rừng, tái định cư... rồi mới ra quyết định. Đơn cử việc Quảng Nam muốn xây thêm 4 nhà máy thủy điện nhỏ - gây tranh cãi ngay cả trong nội bộ địa phương mới đây, quan điểm liên quan đến phát triển thủy điện nhỏ là rất khác nhau, câu trả lời chỉ có khi xem xét trên từng dự án cụ thể và mức độ tác động của nó.
Thêm vào đó, việc Việt Nam chịu sức ép lớn về nguồn điện là có thật, tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề này không được trông đợi ở thủy điện nhỏ, do sự đóng góp hết sức hạn chế của nó, trong khi tác hại về môi trường lại rất khó lường.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện các nhà máy thuỷ điện nhỏ đã vận hành đang đóng góp khoảng 6,6% công suất lắp máy và 5,4% điện lượng cho hệ thống điện quốc gia. Để đầu tư xây dựng một công trình thuỷ điện vừa và nhỏ phải thu hồi khá nhiều đất. Bình quân 1 MW phải chiếm dụng khoảng 7,41 ha đất và phải di dời, tái định cư 0,16 hộ dân.